Giải cứu của giải cứu
VHO- Xưa có chuyện Đến chết vẫn hà tiện kể về anh kia chỉ chăm chăm tích cóp làm giàu. Một hôm anh ta giắt quan tiền vào lưng, cùng đày tớ ra tỉnh chơi. Trên tỉnh có nhiều món hàng đẹp, anh thích lắm nhưng tiếc tiền không dám mua; đi đường khát nước cũng không dám vào quán uống. Lúc đi đò qua sông, khát quá anh ta bèn cúi người vốc nước, chẳng may lộn cổ xuống sông. Đày tớ sợ quá bèn kêu cứu: “Ai vớt được sẽ trả một quan tiền”. Anh hà tiện đang ngoi ngóp vẫn cố rướn cổ lên: “Một quan đắt quá, năm tiền thôi…”, chưa kịp nói xong đã chìm nghỉm.
Một dị bản có hậu hơn kể rằng: Khi ấy có một chàng trai không nghe thấy chuyện tiền bạc chi cả, vội nhảy xuống sông và lôi được anh hà tiện vào bờ. Anh hà tiện đưa cho chàng trai năm tiền, nhưng chàng khoát tay bỏ đi. Chuyện thậm xưng chế giễu kẻ keo kiệt, nhưng tôi lại chú ý cái kết ở dị bản, đó là hành động dũng cảm, vô tư của chàng trai.
Giải cứu (rescue) là cứu thoát con người ta đang trong tình huống vô cùng nguy cấp mà không thể tự thoát được. Tình huống ấy là vô lường, bất ngờ, như bão lũ, dịch bệnh, chiến tranh, đuối nước, hỏa hoạn… Do vậy, ở bất cứ quốc gia nào cũng đều chú trọng việc giải cứu.
Mấy năm vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát và lan tràn khắp nơi, không khí bi quan bao trùm thế giới. Các nguyên thủ và quan chức không thể đi công du nước ngoài; các nhà máy đóng cửa; nền kinh tế toàn cầu trì trệ… Ứng phó với đại dịch, nước ta phải thực hiện nhiều biện pháp, như các nhà hàng không được bán tại chỗ, người dân không được di chuyển xa, những người đang làm ăn, sinh sống, học tập ở nước ngoài bị kẹt lại… Thế là có chủ trương tổ chức các chuyến bay giải cứu, đưa số người này về nước.
Bùng phát từ cuối năm 2019, đại dịch hoành hành đến cuối năm 2021 mới tạm lắng. Cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng không thể “đứng bánh” mãi, mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt nới lỏng dần theo tinh thần của trạng thái bình thường mới (new normal). Cuộc sống vẫn chưa thực sự hồi phục do di chứng đại dịch, nhưng mọi người cứ thế cuốn vào cuộc mưu sinh, dần quên đi chuyện kinh hoàng của vài năm trước. Thế nhưng, thật bất ngờ vụ đại án “chuyến bay giải cứu” lại nổi lên, với các bị cáo ở các thành phần xã hội khác nhau, với số tiền tham ô “khủng” và nhiều thủ đoạn tinh vi, đê hèn. Bất ngờ vì một chủ trương lớn, đầy tính nhân đạo và nhân văn của nhà nước đã bị một vài kẻ tham lam lợi dụng.
Giải cứu là giúp người ta thoát khỏi trạng thái nguy hiểm. Không như anh hà tiện cò kè bớt một thêm hai kia, thông thường người ở trạng thái nguy hiểm có thể đánh đổi tất cả để được sống sót. Kẻ tham lam đã lợi dụng trạng thái ngặt nghèo đó để ép người cần giải cứu phải “lòi” tiền ra. Nạn nhân có những “đại gia” sẵn tiền, nhưng cũng có không ít người lao động tha phương cầu thực, làm thuê làm mướn, tù nhân mãn hạn (ở Malaysia)…
Vụ án “chuyến bay giải cứu” được bóc tách, các bị can lần lượt lộ diện. Nhưng trong quá trình phanh phui, thay vì thức tỉnh lại xuất hiện thêm hành vi “chạy án”. Hẳn trong con mắt của những kẻ ấy, người bị bắt giam kia mới là kẻ cần được “giải cứu” (rescue), nên ở đây có thể gọi là “giải cứu của giải cứu” (rescue of rescue), tất nhiên với nghĩa nằm trong ngoặc kép, một tình huống vừa trơ tráo vừa nực cười, cũng từ “xung lực” đồng tiền. May là các cơ quan chức năng đã kịp phát hiện, để những người vốn không liên quan đến vụ “chuyến bay giải cứu” được “bổ sung” vào danh sách bị cáo.
Cơ quan tố tụng rồi sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng ở góc độ văn hóa, có thể hiểu người vướng vào lao lý có nguyên nhân sâu xa là họ thiếu hành vi văn hóa sơ đẳng: “Làm ơn há để trông người trả ơn” (Nguyễn Đình Chiểu). Trong thực tế cuộc sống, có những người thấy kẻ khác gặp nguy là bất kể tính mạng để giải cứu. Việc đó phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, vô tư và trái tim yêu thương con người vô bờ bến. Như chàng trai đã cứu anh hà tiện không phải để lấy “năm tiền”.
Trộm nghĩ, “giải cứu của giải cứu” đúng nghĩa ở phương diện này là một hành vi văn hóa: Tẩy rửa đầu óc tư lợi trong tình huống người khác gặp nguy nan.
CAO CHƯ