Giá như ai cũng biết trước điều đó
VHO- Dẫu có nói gì đi nữa thì 600m của “Con đường gốm sứ” có chiều dài gần 4000m gắn với sự kiện Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, lại được Tổ chức Kỷ lục Thế giới ghi danh, đã bị máy móc phá bỏ trong mấy ngày qua gây nên sự nuối tiếc của nhiều người, đặc biệt là tác giả của nó và các cộng sự. Chỉ nuối tiếc thôi chứ không còn cách nào khác, hay nói một cách xoa dịu, nhẹ nhàng hơn thì “được cái nọ phải mất cái kia” khi chủ trương cộng với cái nhu cầu mở rộng mặt đê, tạo sự thông thoáng đường là không thể tránh khỏi.
Cũng chỉ nuối tiếc thôi chứ còn biết làm cách nào được nữa để “bảo tồn” nó khi người ta hăng hái với tiến độ thi công quá nên quên mất nhiều thứ cần có “báo cáo”, “bàn thảo” hoặc “giải cứu”...
Truyền thông thì bất ngờ. Tác giả của nó thì chỉ nhận được cú điện thoại thông báo. Còn cơ quan được giao quản lý công trình “Con đường gốm sứ” là Ban quản lý Di tích, danh thắng Hà Nội lại không hề biết “mờ tỏ” ra sao. Khi báo chí đưa tin, cơ quan quản lý hỏi tác giả “có biết chuyện đó không” thì lúc đó cũng chỉ phàn nàn đôi câu đại loại như “vấn đề ở đây là quy trình phối hợp và thông tin chưa tốt”.
Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề ứng xử với công trình văn hóa và được luận theo chữ “giá như” thôi. Giá như chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội tổ chức cuộc họp báo hay gặp gỡ các cơ quan báo chí thông báo một câu để “rộng đường cho dư luận” thì có chậm tiến độ hay không? Giá như, trước khi dùng máy móc để phá dỡ 600m “Con đường gốm sứ” ấy, cơ quan được giao nhiệm vụ có cuộc gặp gỡ tác giả hay những đơn vị tư vấn khác để xem rằng, cái đoạn công trình văn hóa ấy liệu có “giải cứu” để bảo tồn được hay không? Nên nhớ rằng, để làm nên một đoạn dài 600m ấy, tác giả và cộng sự đã mất biết bao công sức, trí tuệ, đó là còn chưa nói tới chi phí.
Và giá như, ngay tại thời điểm làm nên đoạn gốm sứ dài 600m ấy người ta thông báo với tác giả rằng, “các vị nên chọn giải pháp khác cho phù hợp hơn bởi chỉ trong khoảng thời gian ngắn nữa, chỗ ấy sẽ bị phá dỡ để mở rộng đường” thì có hay hơn không? Chúng tôi tin rằng chủ trương mở rộng đoạn đê đó đã có từ lâu... Chứ như “đập bỏ” đoạn đê cùng tranh gốm sứ đó và “vô tư” sơn xanh đỏ tím vàng lên cụm tượng ở Công viên Thống Nhất mà không cần để ý đến ai thì nguy lắm. Đương nhiên những chữ “giá như” ấy giờ đã không thể nào cứu vớt được chút gì cho 600m gốm sứ ấy cả, nhưng phần nào và hy vọng nó sẽ khiến cho cơ quan chức năng có liên quan rút ra được điều gì đó dù nhỏ về thái độ ứng xử của mình trước những công trình văn hóa, lịch sử. Chứ không nên nói rằng “việc tôi tôi cứ làm” như ai đó cãi cùn với truyền thông.
NGUYỄN THANH SƯƠNG