Đừng chú ý việc uống ra sao để không bị “thổi”

VHO- Trước và sau khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực, ở nhiều địa phương đã có những chuyển biến, và có một nơi thấy rõ được điều đó. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, thường thường trong những ngày cuối tháng 12 và giáp Tết Dương lịch, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện có xu hướng gia tăng, trong đó tập trung vào người trẻ từ 20- 40 tuổi, đang trong độ tuổi lao động.

Còn những ngày này, số bệnh nhân bị ngộ độc rượu đã giảm, và giảm khá rõ rệt. Nguyên nhân của cái sự giảm này chắc có nhiều nhưng đa số người tin rằng, sau khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ ngày 1.1.2020 đã tác động mạnh đến ý thức của những “ma men”.

 Thêm vào đó, những hình ảnh về những đám cưới chỉ sử dụng nước ngọt; các quán bia, nhà hàng bình thường rất đông khách nhưng nay cũng trở nên thưa thớt...

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, mấy ngày đầu tiên Luật có hiệu lực, bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì còn có nhiều câu hỏi đặt ra như sau uống rượu bia bao lâu thì lái xe không còn nồng độ cồn trong máu và khí thở? Ăn một số loại trái cây có đường, thực phẩm chế biến có thêm rượu bia, thuốc có dung môi cồn khi ăn, uống vào có nồng độ cồn trong máu liệu có bị phạt? Rất mong những thắc mắc, băn khoăn này sẽ dừng lại. “Mọi người không nên chỉ tập trung vào việc làm sao để uống và không bị xử phạt mà quên và làm nhẹ đi những mục tiêu tốt đẹp của Luật là cảnh báo tác hại của rượu bia và giảm sử dụng rượu bia để giảm bệnh tật, tử vong và hệ luỵ xã hội do rượu, bia gây ra; nâng cao ý thức của mọi người để sử dụng rượu bia một cách văn minh, ít nguy cơ nhất”, bà Trang nói.

Theo bà Trang, việc dung nạp, chuyển hoá và đào thải chất cồn trong rượu bia của cơ thể không có mức chung tuyệt đối cho mọi người mà phụ thuộc số lượng uống ít hay nhiều, trọng lượng cơ thể và các đặc điểm sinh học, chức năng gan, tình trạng sức khoẻ, uống lúc no hay đói, tần suất, cách thức uống. Tốt nhất là không nên uống hoặc hạn chế uống, bởi vì không ai trả lời được chính xác sau uống bao lâu có thể lái xe. Các công thức tính nồng độ cồn trong máu chỉ có giá trị tham khảo để một người có thể quyết định uống hay không, tự điều chỉnh lượng bia rượu khi uống.

“Với các loại hoa quả, siro có chứa ethanol, thông thường sau khi ăn mọi người chỉ cần uống nước lọc, súc miệng và sau khoảng 15-30 phút thì sẽ không còn nồng độ cồn. CSGT dừng xe kiểm tra độ cồn chỉ xảy ra khi người điều khiển có dấu hiệu vi phạm như mặt đỏ gay, đi loạng choạng, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, khi có kế hoạch kiểm tra… Việc ăn hoa quả, thực phẩm cũng không toả ra hơi cồn như sử dụng rượu bia dù đứng gần nên cũng khó biết được, ngoài ra, mọi người còn có quyền giải trình, khiếu nại theo quy định xử lý vi phạm hành chính, do đó, mọi người không nên lo ngại”, bà Trang chia sẻ.

LÊ DUY

Ý kiến bạn đọc