Đôi lời góp nhặt về hai giải B
VHO- Xin có đôi lời góp nhặt về hai giải B (không có giải A) cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ (2019-2020) vừa được tổ chức trao hôm 9.4. Hai tác giả của sáu bài thơ đoạt giải là Tòng Văn Hân và Nguyễn Văn Song, đều không ở chốn kinh kỳ, đô hội.
Nguyễn Văn Song có 3 bài lục bát dễ thương nói về tâm trạng của một người chân quê “Từ ngày lên phố”, “Gọng vó đầu làng”, “Từ ngày cha mất”... Tiếc nuối những ngày xưa yêu mến, bàng hoàng, xa xót buổi kinh tế thị trường ùa vào từng ngõ ngách đời sống “Đất vàng đọ với thâm tình/ Ruột rà máu mủ giật mình lìa xa...”.
Khá nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, thậm chí nghi ngờ về chất lượng ba bài thơ của Tòng Văn Hân (dân tộc Thái, quê Điện Biên). Thật ra, việc khen, chê là quyền, là cách cảm, là năng lực thẩm mỹ... của mỗi người. Tôi không dám phản đối ai và cũng không cổ xúy ai. Theo thiển nghĩ, tôi thấy thơ Tòng Văn Hân không nhiều vần điệu êm ả, không hiện đại, không chải chuốt, làm dáng, nghe còn “ngang tai” nữa, nhưng thú thực là hơn hẳn mấy bác, mấy cô làm thơ theo lối văn vần!
Đọc kỹ, thì cái tứ thơ của ba bài thơ (xin nhấn mạnh là ba bài thơ chứ không phải là một) lại rất được. Đó là cách nghĩ chân thành, nhân văn, nhân hậu, thật như đếm, so sánh ẩn dụ thú vị... của người miền núi. Ở bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, nếu là người miền xuôi mà chửi đứa trộm gà, bắt chó thì thôi rồi, có trường hợp còn đánh chết! Tôi được biết đã có mấy luận văn nghiên cứu về đề tài này dưới góc độ văn hóa học, xã hội học, ngôn ngữ học... Lời chửi của “mẹ tôi” trong bài thơ thật lạ, không giống ai. Đúng ra là mẹ không chửi, mà mẹ mong “Ta cầu mong cho ngươi/Nuôi được gà đầy đàn/Lứa này tiếp lứa khác..”; ... “Thì hãy có nhiều lợn/Đàn tiếp đàn núc ních...”. Mẹ giận, mẹ chửi mà đáng yêu như vậy thì bốn câu thơ cuối bài cũng dễ hiểu, không lạc lõng “...Thế mà có hẳn bốn nhà/Muốn được tôi làm con dâu của họ”. Bài “Làm rể” cũng đáng yêu “Ngày anh sang nhà em làm rể/Anh đi phát nương/Con dao nhỏ bằng ba ngón tay/Phát được nhiều bằng ba người khác”. Là do yêu em mà làm việc quên mệt nhọc, lại rất năng suất nữa.
Rồi “Những buổi sáng trời đổ sương muối/Cá suối trú rét đầy trong hốc/Anh đi bắt cá về ăn/Nước suối ấm như nước em đun tắm”... Yêu em đến thế là cùng, ví von cũng ý nhị. Bài “Nhà dưới nhà trên”, tác giả cũng có cách cảm, cách nghĩ thật lạ, hay, bất ngờ: “Bản ta ở sườn dốc/Nhà sát nhà/Kê nhau cao dần cao dần lên đầu núi/Ánh mặt trời xuyên qua vách nhà trên/Lọt vào cửa sổ nhà dưới.../Không làm hàng rào ngăn cách/Gánh nước vương ra ướt sân nhà nhau...”.
Người miền xuôi gọi là “tối lửa tắt đèn có nhau”, còn nhà thơ Tòng Văn Hân diễn đạt “Nhà dưới kê nhà trên cao hơn”. Như thế là được chứ ạ!
NGUYỄN THẾ KỶ