Đổ xô tích trữ đồ ăn, hành vi ích kỷ, thiếu văn hóa cộng đồng ?
VHO- Công điện 15 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 vừa ban hành còn chưa ráo mực, nhưng một bộ phận người dân đã vội vã đổ xô đến các siêu thị "vơ vét" hầu hết các loại thực phẩm về tích trữ tại gia.
Các kệ hàng nhanh chóng bị "vét" khi Chỉ thị giãn cách chưa ráo mực
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước, UBND Thành phố Hà Nội phải áp dụng một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc hạn chế người dân ra khỏi nhà. Đây là việc làm rất cấp bách và cần thiết để hạn chế lây lan dịch bệnh, nhằm bảo vệ hơn 8 triệu dân Thủ đô. Chủ tịch UBND Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương Hà Nội điều tiết việc vận chuyển, cung cấp hàng hóa về các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh đảm bảo đầy đủ các mặt hàng thiết yếu. Về mặt quản lý, UBND Thành phố Hà Nội đã chuẩn bị đầy đủ các giải pháp để đảm bảo cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu. Về mặt thực tế, Hà Nội có đầy đủ các chuỗi sẵn sàng sản xuất, phân phối, cung ứng lương thực, thực phẩm dày đặc phủ sóng xung quanh Hà Nội.
Việc "nô nức" đi siêu thị vét hàng sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao nếu xuất hiện ca F0
Dù rằng đây đã là năm thứ 2 kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam và lần thứ "n" bùng phát trong 2 năm gần đây. Cũng có thời điểm khan hiếm nguồn cung lương thực, thực phẩm do một số vùng cung ứng, sản xuất nằm trong vùng kiềm tỏa dịch bệnh, cũng có lúc chuỗi cung ứng bị đứt gãy tạm thời nhưng chưa bao giờ người dân Việt Nam nói chung và người dân Thủ đô nói riêng bị thiếu lương thực, thực phẩm do yếu tố dịch Covid-19.
Chỉ sau 1 đêm các siêu thị đã được bổ sung đầy hàng
Vậy, vì đâu nên "nỗi" mà hàng ngàn người dân ùn ùn kéo đến các siêu thị "vơ vét" bằng sạch các loại thực phẩm để về tích trữ. Là sự lo xa, tính cẩn thận của người dân hay vì nguyên nhân khác? Câu trả lời chỉ có thể là xuất phát từ thói ích kỷ, nhỏ nhen, tư tưởng ẫu trĩ, thiếu tính văn hóa cộng đồng. Việc làm đó gây hậu quả không những góp phần đẩy giá các mặt hàng thiết yếu "leo thang" mà còn dẫn đến việc thiếu thực phẩm cho những người thật sự cần. Hệ quả tạo lên một "thảm họa" trong kinh tế và xã hội đó là gây thiệt hại cho chính bản thân người dân và gây hoang mang trong dư luận. Chưa kể, việc tập trung đông người trong thời gian ngắn làm cho các biện pháp phòng dịch tại chỗ bị vô hiệu, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch cao trong cộng đồng. Giả sử, trong số những người đến siêu thị đó có một vài F0 thì hậu quả vô cùng khủng khiếp cho cộng đồng. Làm đổ sông đổ biển công sức của cả hệ thống chính trị. Làm mồ hôi, công sức và cả tính mạng của những lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm lo chống dịch trở nên vô nghĩa.
Người dân cần bình tĩnh dù thành phố có biện pháp siết chặt phòng chống dịch mức độ nào thì hàng hoá cũng không khan hiếm
Mặt khác, trong khi, cả nước chống dịch, rất cần sự chia sẻ, nhường nhịn, chung tay của toàn dân thì một bộ phận người dân lại chỉ "lo đến cái bụng no" của mình, lo tích trữ thật nhiều thực phẩm, mặc kệ người khác có mua được hay không. Có trường hợp tích trữ quá nhiều dẫn đến dùng không kịp, không hết, thực phẩm bị hư hỏng, hết hạn sử dụng lại phải đem vứt bỏ, gây lãng phí.
Tuy sự việc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và ở một bộ phận nhỏ người dân thiếu ý thức, chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đằng sau đó là tư duy và hành động mang tính vị kỷ cá nhân trong việc ứng xử với tình huống nguy cấp của cộng đồng.
Nguồn cung ứng hàng hoá cho các siêu thị luôn phong phú và kịp thời
Qua sự việc đáng tiếc này, mỗi người dân cần bình tĩnh, sáng suốt, ứng xử văn minh hơn trong việc phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, cần phát huy truyền thống dân tộc đó là tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách", một người vì mọi người, vì cộng đồng xã hội để không xảy ra các vụ việc tương tự. Bên cạnh đó, mọi người hãy lắng nghe, phối hợp, tuân thủ các biện pháp và những khuyến cáo về phòng chống dịch của chính quyền để cùng tạo thành những lớp thành trì vững chắc đẩy lùi dịch Covid-19.
Minh Tâm Ảnh: Vũ Mừng