Đi học trở lại thời dịch bệnh Covid-19
VHO-Bệnh dịch Covid-19 đang để lại rất nhiều những hệ lụy trong xã hội, nhưng trong khó khăn, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra sẽ rất bổ ích, không chỉ đối phó với bệnh dịch, mà còn cho cả các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống - giáo dục cũng trong bối cảnh như vậy.
Thời gian vừa qua, việc các trường được nghỉ học để tham gia phòng chống lây nhiễm Covid-19 là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Nhờ những nỗ lực quyết liệt, chúng ta đã thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này. Quyết tâm của Chính phủ, thể hiện qua phát biểu của Thủ tướng trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 12.2 rằng: “Tất cả cán bộ công chức của các Bộ, ngành, địa phương không được vô cảm trước tình hình đầy khó khăn, ‘lửa thử vàng, gian nan thử sức’, cần bình tĩnh nhưng quyết tâm cao”, cùng sự chung tay của các bộ ngành, địa phương đã khiến Việt Nam trở thành tấm gương chống dịch tốt, được Tổ chức Y tế thế giới WHO đánh giá cao. Ngành GD&ĐT cũng đóng góp một phần không nhỏ trong nỗ lực thành công đó.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ngành giáo dục có đợt nghỉ kéo dài bất thường do dịch bệnh. Đối phó với dịch bệnh, các thầy cô và học sinh đã có nhiều giải pháp để nghỉ học ở trường nhưng vẫn cập nhật kiến thức thông qua các hình thức học khác nhau. Sự thay đổi trong hình thức học cũng đem lại những hứng thú nhất định. Tuy vậy, việc học ở trường, trực tiếp sẽ luôn quan trọng và chưa thể thay thế được, vì vậy, đợt học sắp tới chắc chắn sẽ cần chuẩn bị hết sức kỹ càng, để những kinh nghiệm xử lý dịch bệnh sẽ thực sự là những bài học bổ ích cho các em học sinh không chỉ đối phó với bệnh dịch, mà còn đối phó với những khó khăn khác trong cuộc sống.
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra, sáng 14.2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đã đi học trở lại, trường lớp phải thực sự an toàn. An toàn cả dưới góc độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh và phụ huynh. An toàn và an tâm. Không nên cho đi học trở lại mà học sinh vẫn lo sợ bị lây nhiễm ở trường, vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học". Đây không phải là mệnh lệnh mà là nguyên tắc đạo đức của xã hội đối với học sinh. Việc đi học chắc chắn sẽ phải bắt đầu sớm, ngay khi chúng ta chắc chắn dịch bệnh Covid-19 không gây ảnh hưởng nguy hại đối với các em học sinh. Việc đình trệ học tập cũng gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội khi mà lịch học thay đổi có thể dẫn đến đảo lộn các lịch trình giáo dục khác, việc ở nhà quá lâu có thể tạo ra tâm lý, quán tính chây ỳ của học sinh, việc học thêm trá hình ở nhiều nơi cũng khiến cho tình trạng học tập hỗn loạn… Tuy thế, vẫn cần áp dụng những nguyên tắc nhất định trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”. Những hướng dẫn của ngành y tế như sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc cồn, vệ sinh trường học… chắc chắn là rất cần thiết, để việc đi học trở lại đem đến những cảm giác an tâm cho nhà trường, phụ huynh và chính các em.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc khống chế dịch bệnh Covid-19 nhờ sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành y tế. Cả nước nói chung, các nhà trường nói riêng, tiếp tục đề cao cảnh giác với dịch bệnh, nhưng như lời Thủ tướng đã phát biểu: “cần phải bình tĩnh, bảo đảm cuộc sống bình thường và lo phát triển kinh tế, giữ vững ổn định xã hội”. Việc đi học của các em học sinh cũng là một nhiệm vụ trong việc bảo đảm sự vận hành bình thường đó của cuộc sống!
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN