Để quản lý “đấu trường” nhan sắc

VHO- Những ngày qua, trên một số diễn đàn mạng bùng nổ tranh luận về vấn đề “bội thực hoa hậu”. Nhiều người cho rằng, Hoa hậu là cuộc thi tôn vinh nét đẹp người phụ nữ, nhưng hiện nay các sân chơi này đang được tổ chức tràn lan, khiến đụng đâu cũng gặp hoa hậu, cứ “ra ngõ” là gặp hoa hậu…

Trước đây, khi chưa được “thả cửa”, đã có nhiều cuộc thi nhan sắc “chui” gây ra lo ngại về tình trạng loạn danh xưng. Với nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật không giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp trong một năm,  các cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc, hay từng vùng trước đây phải do Bộ VHTTDL hoặc Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép thì nay chỉ cần thông qua UBND cấp tỉnh - nơi tổ chức các cuộc thi người đẹp. Vì thế, khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, từ đầu năm 2022 đến nay, các cuộc thi nhan sắc có cơ hội “nở rộ”, làm dấy lên lo ngại về việc “lạm phát” các cuộc thi nhan sắc cũng như lỗ hổng trong công tác quản lý.

Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hiện tượng “kinh doanh nhan sắc” đang diễn ra khá trầm trọng ẩn dưới danh xưng các cuộc thi hoa hậu. Đây không chỉ đúng với việc một người đẹp, sau khi đoạt giải sẽ có thương hiệu riêng cho mình, mà còn đúng với việc tổ chức cuộc thi sắc đẹp nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, thực sự là một nhu cầu xã hội. Các công ty, địa phương tổ chức sự kiện nhận ra nhu cầu có thực này để tạo ra lợi nhuận cho chính mình từ những tài trợ của các nhãn hàng hay thậm chí từ chính những người đăng ký đi thi sắc đẹp.

Nhiều vụ việc lùm xùm liên quan đến thi hoa hậu vừa qua không thể bỏ qua nguyên nhân của việc buông lỏng quản lý ở các địa phương. Nhiều nơi đã coi nhẹ việc tổ chức sự kiện thi sắc đẹp, bởi họ cho rằng, cuộc thi không ảnh hưởng nhiều đến chính trị, pháp luật, lại giúp quảng bá hình ảnh địa phương nên không quan tâm sát sao, dẫn đến những hệ lụy khá nghiêm trọng phía sau.

Để quản lý các “đấu trường” nhan sắc, cần có những giải pháp mang tính tổng thể và không chỉ đến từ ngành văn hóa. Đầu tiên, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của các cuộc thi sắc đẹp, để tránh những ngộ nhận, hiểu lầm về giá trị của cuộc thi này. Tiếp theo, chúng ta đã có các quy định xử phạt thì cần phải tiến hành xử phạt nghiêm khắc, mang tính chất làm gương để trở thành bài học cho các công ty tổ chức sự kiện. Những hoa hậu, hoa khôi cần phải có ý thức đúng đắn về trách nhiệm xã hội của mình để tránh việc tạo ra những “khủng hoảng truyền thông”. Bên cạnh đó, nhận thức xã hội cần có sự thay đổi, và chế tài xử phạt cũng như các quy định liên quan cần tạo điều kiện để các cuộc thi sắc đẹp không bị lợi dụng cho các mục đích khác.

Quan trọng nhất, các địa phương nếu thấy những cuộc thi nhan sắc theo kiểu phong trào, vô bổ, không mang lại lợi ích văn hóa, giáo dục, xã hội tốt đẹp cho cộng đồng, thì cũng nên dũng cảm gạt bỏ lợi ích kinh tế để nói không với những “sản phẩm” kém chất lượng. Bởi thi hoa hậu không chỉ đơn thuần là cuộc thi nhan sắc, mà ở đó còn hiện diện chân thực nhất “phông nền” tri thức, văn hóa… của các người đẹp nói riêng, của Việt Nam nói chung trước bạn bè quốc tế. Hai chữ “ao làng” thời gian qua được dư luận sử dụng một cách “mỉa mai” không phải là không có lý, khi liên tiếp những cuộc thi vô thưởng, vô phạt, thậm chí vô duyên ra đời, những cô gái đi thi cho có danh hiệu, lấy danh hiệu để làm… việc khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của những cuộc thi nghiêm túc, chất lượng. 

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc