Để mũi nhọn cất cánh
VHO- Theo Tổng cục Thống kê, 10 tháng đầu năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 14,5 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ 2018. Đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng, cao hơn đáng kể mức bình quân chung của thế giới cũng như khu vực theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO). Đặc biệt, tháng 10.2019 ngành Du lịch Việt Nam đã đón lượng khách cao kỷ lục từ trước đến nay, đạt 1,62 triệu lượt, tăng mạnh 34,3% so với cùng kỳ. Đây cũng là tháng có tốc độ tăng trưởng cao nhất đến nay trong năm 2019.
Cần tạo điều kiện thông thoáng trong việc cấp thị thực để thu hút du khách quốc tế. Ảnh: T.L
Hiếm có lĩnh vực nào liên tiếp xô đổ kỷ lục như ngành Du lịch: Tháng sau xô đổ kỷ lục tháng trước, của cùng kỳ năm trước; năm sau xô đổ kỷ lục năm trước. Với đà này, tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu đón từ 17,5-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019.
Sau bao nhiêu năm chúng ta chỉ lẽo đẽo ở vị trí thứ 5 ở Đông Nam Á về lượng khách quốc tế thì số liệu vừa công bố của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cũng cho thấy, Việt Nam đã vượt qua Indonesia, vươn lên đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan, Malaysia và Singapore và theo nhận định, khả năng nằm trong top 3 khu vực của Việt Nam trong một ngày gần đây là hoàn toàn có thể.
Trên bình diện quốc tế, du lịch Việt Nam cũng có một mùa bội thu với việc gần như thâu tóm các giải thưởng danh giá: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019; Thành phố Hội An được trao tặng danh hiệu Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019 cùng 25 giải thưởng dành cho các cơ sở lưu trú du lịch, hãng lữ hành, hãng hàng không, sân bay, điểm đến tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới lần thứ 26 (World Travel Awards) diễn ra vừa qua. Đặc biệt, với giải thưởng Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, lần đầu tiên ẩm thực Việt Nam được tổ chức danh giá quốc tế World Travel Awards ghi danh trên bản đồ ẩm thực khu vực và thế giới.
Trong khi kinh tế thế giới nói chung, du lịch nói riêng đang vẫn trong bức tranh màu xám thì điểm sáng của du lịch Việt Nam rất đáng được ghi nhận. Đây là quả ngọt sau bao nỗ lực không biết mệt mỏi của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch với những chỉ đạo quyết liệt trong thời gian gần đây sau khi nhận thấy tốc độ tăng trưởng khách quốc tế trong những tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại.
Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, sự nỗ lực bấy nhiêu của Bộ, ngành chưa đủ mà rất cần sự chung tay, chia sẻ, vào cuộc quyết liệt hơn của cả bộ máy. Như Văn Hóa số này phản ánh, tại Hội thảo Đột phá kinh tế từ du lịch do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 28.10 vừa qua, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói thẳng: “Nói kinh tế mũi nhọn mà thiếu chính sách ưu tiên để tạo động lực thì làm sao mũi nhọn cất cánh được?”.
“Thiếu chính sách ưu tiên” không chỉ được các chuyên gia trong nước cảnh báo mà cũng đã được các tổ chức kinh tế quốc tế uy tín nhiều lần đề cập. Như chúng tôi đã từng phản ánh, theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành Lữ hành và Du lịch do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố cho thấy, ở chỉ số “mức độ ưu tiên cho du lịch”, Việt Nam chỉ đứng thứ 100, tụt rất xa với hầu hết các nước trong khu vực như Singapore (vị trí thứ 6), Indonesia (10), Thái Lan (27), Campuchia (44), Philippines (56), Malaysia (62), Lào (64); chỉ hơn được Brunei (vị trí 127).
Một trong những chính sách ưu tiên đang được dư luận cũng như những người làm du lịch hết sức quan tâm là thị thực (visa) đối với người nước ngoài ra vào Việt Nam. Nội dung này cũng đã làm “nóng” nghị trường chiều qua 29.10 khi Quốc hội nghe các báo cáo và thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong xu thế cần tiếp tục miễn thị thực đơn phương cho các thị trường hiện đang được áp dụng chính sách này, mở rộng diện miễn thị thực đơn phương thì việc bổ sung quy định để Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì nước đó phải có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam như trong dự thảo Luật là chưa thực sự hợp lý. Do đó ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cũng như một số đại biểu khác không tán thành với điều kiện “có qua có lại” như trong dự thảo Luật mà giữ nguyên như trước là hoàn toàn hợp lývàchính xác.
PHAN THANH NAM