Để mỗi ngày đều là Ngày Gia đình

VHO- Cứ đến dịp 28.6, Ngày Gia đình Việt Nam, người viết lại nao nao nhớ về “nếp xưa, nhà cũ”, nơi những bữa cơm nghèo dưới ánh đèn tù mù, leo lét nhưng ăm ắp tiếng cười, tiếng trẻ xôn xao khoe làm toán được điểm cao, tiếng bà nội thủ thỉ về ổ gà sáng qua đã nở, tiếng mẹ khen chị cả hôm nay nấu cơm khéo không bị cháy nồi… Đơn sơ, giản dị mà xiết bao đầm ấm… Những ký ức dịu êm ấy mãi vấn vương như những sợi tơ tuy mỏng manh mà bền chắc,cứ len lỏi như những mạch ngầm để nếp sống văn hóa gia đình Việt ăn sâu, tiếp nối và trường tồn qua nhiều thế hệ.

Ai cũng biết, những năm tháng rồi, cơn “can qua” của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều mái nhà không còn nguyên vẹn, mâm cơm ngồi bên nào cũng lệch bởi phía bên kia nay đã vắng bóng người thân; nhiều giá trị bị đảo lộn, nhiều thói quen phải thay đổi, nhiều sở thích phải điều chỉnh… vì thế, nếp nhà cũng có sự xê dịch nhất định. Người ta hay nói “Qua ngày mưa mới biết yêu những ngày nắng đẹp”, và câu nói ấy chưa bao giờ đúng như lúc này. Đại dịch kinh hoàng đi qua và để lại phía sau nó những điều được và mất. Tuy chẳng thể đong đếm rành mạch mọi sự, nhưng ngoảnh lại là để thấy nhiều giá trị trước đây chúng ta cho là được, cứ mải bôn ba đuổi theo và tìm kiếm, thì đến giờ nó chính là cái mất to lớn nhất, bởi vĩnh viễn không bao giờ có thể tìm thấy hay làm lại được nữa. Và có lẽ, những người đã từng ở giữa “tâm bão” mới cảm nhận được trọn vẹn cái khoảng trống mất mát còn lớn hơn cả nỗi đau kia, thậm chí còn không thể minh định để diễn tả bằng từ ngữ. Những nếp xưa nơi nhà cũ, những bữa cơm gia đình có đủ các thành viên, những tiếng cười vô tư lự của con trẻ, những cằn nhằn đầy yêu thương, lo lắng của cha mẹ... điều bình thường, rất đỗi bình thường mỗi ngày, chỉ đến khi tuột khỏi tầm tay, ta mới thấy nó “phi thường” và quý giá biết nhường nào…

Khoảng lặng trong cơn đại dịch đã ngưng đọng lại trong mỗi người, để chúng ta tự thay đổi và định hình nên những giá trị mới, đặc biệt, hai tiếng “gia đình” trong suy nghĩ của số đông giờ đây đã trở nên tích cực hơn rất nhiều. Nói ra để thấy, điều quý giá nhất không phải tiền tài vật chất, không phải công danh sự nghiệp, cũng không phải những hào hoa, hồng tuyết, bóng bẩy ngoài kia… mà chính là mái ấm thân yêu của chúng ta. Mỗi người sinh ra, gặp nhau đều có một lý do nào đó, có thể là để mang đến cho nhau niềm vui, nỗi buồn, có thể là những mất mát hợp tan, tất cả đều có thể xảy ra ở thời điểm và lý do riêng, chỉ là chúng ta có nắm bắt được nó, có trân quý nó để khi mọi thứ diễn ra theo quy luật biến thiên của tạo hóa, ta vẫn còn lại nơi ký ức để dạy cho các con các cháu tiếp tục lớn lên và gìn giữ ngọn lửa thiêng dưới mỗi mái ấm Việt.

Trong một lễ khai mạc Ngày gia đình Việt Nam gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã xúc động nói, như một thông điệp, dù ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa: “Mỗi năm có một Ngày gia đình, nhưng xin đừng để đến ngày gia đình mới nghĩ đến gia đình. Cứ một ngày hãy dành thêm một chút nghĩ về gia đình, về bố mẹ, anh chị em và những người thân, như vậy chắc chắn xã hội sẽ tốt hơn…”.

Đúng vậy, chúng ta hãy sống thật đẹp, thật tích cực để “mỗi ngày đều là Ngày Gia đình”! 

ĐỖ CAO HUYỀN

Ý kiến bạn đọc