Để không ai bị bỏ lại phía sau

VHO- Chính phủ đang dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó làm rõ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: “Làm nhanh gói hỗ trợ vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”, và với thông điệp “Không ai bị bỏ lại phía sau”.

Để không ai bị bỏ lại phía sau - Anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc chi trả hỗ trợ phải thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến rất nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật không phải là ngoại lệ. Một nghiên cứu của Tổ chức Americans for the Arts đã ước tính thiệt hại kinh tế Mỹ là 3,6 tỉ đô la cho các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong đó tính đến thời điểm ngày 3.4.2020, đã thiệt hại khoảng 120 triệu đô la.

 94% các tổ chức đã hủy các sự kiện, mất khoảng 55 triệu khán giả, và trung bình mỗi tổ chức văn hóa nghệ thuật mất khoảng 11.462 đô la. Ở Đức, Chính phủ đã phải đưa ra gói hỗ trợ các nghệ sĩ lên đến 50 tỉ euro. Bà Monika Gruetters, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đức nhấn mạnh: Chính phủ hiểu rõ về tầm quan trọng của lĩnh vực công nghiệp sáng tạo đối với sự phát triển, “đặc biệt bởi lĩnh vực văn hóa có tỷ lệ người làm việc tự do cao, những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống”. Nhiều Chính phủ của các quốc gia khác nhau cũng đang hoạch định chính sách để hỗ trợ nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ở Việt Nam, dù chúng ta chưa có những con số thống kê cụ thể, nhưng rõ ràng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật bị ngừng trệ từ sau Tết đến nay đã khiến cho rất nhiều tổ chức văn hóa, nghệ thuật, các nghệ sĩ bị ảnh hưởng nặng nề. Các lĩnh vực có thể được tính đến như tổ chức sự kiện, âm nhạc, phim ảnh, bảo tàng, di tích… nguồn thu bị suy giảm nghiêm trọng, cả ở số lượng khán giả, tài trợ, bán vé, cộng thêm những chi phí để duy trì như thuê địa điểm, thiết bị, lương nhân viên hay lãi vay ngân hàng,… khiến cho các lĩnh vực này khó có thể phục hồi nếu thiếu vắng những biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các tổ chức, đoàn thể và cá nhân khác nhau.

Văn hóa nghệ thuật có vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Phát triển văn hóa nghệ thuật là một trong những bước đi đột phá để biến những khát vọng của đất nước thành hiện thực, biến văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy nền kinh tế cạnh tranh, đa dạng và hiệu quả hơn, tiếp tục khẳng định Việt Nam như một xã hội đổi mới và tiến bộ, cũng như đem lại những giá trị trực tiếp và gián tiếp trong việc tạo ra những cơ hội mới trong công ăn việc làm, thúc đẩy tiến trình đổi mới, mở ra những thị trường mới cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa nghệ thuật. Các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, các nghệ sĩ dù gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19, thông qua sáng tác và ảnh hưởng xã hội của mình, vẫn luôn sẵn sàng cống hiến sáng tạo của mình để cả nước nhanh chóng dập tắt dịch bệnh.

Để các tổ chức văn hóa, nghệ thuật và các nghệ sĩ vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh đột ngột và bất khả kháng như Covid-19, một gói cứu trợ khẩn cấp bao gồm hỗ trợ cho việc thuê địa điểm, trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp, vay không đồng, miễn giảm thuế,... sẽ là đáng quý, hữu ích và kịp thời cho những tổ chức văn hóa nghệ thuật vốn phần lớn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn lực và năng lực hạn chế như ở nước ta hiện nay. Lâu dài hơn, các tổ chức văn hóa nghệ thuật cần được giúp đỡ để nâng cao năng lực chuyển đổi mô hình hoạt động (về quản trị trực tuyến, truyền thông trực tuyến, phát triển khán giả/thị trường trực tuyến,...) nhằm ứng phó với khủng hoảng và dịch bệnh như hiện nay. Bên cạnh đó là những hỗ trợ cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật về công nghệ, đặc biệt là công nghệ truyền thông, cho phép các tổ chức này tiếp tục thực hiện các chương trình, sự kiện, hoạt động định kỳ của mình trên nền tảng truyền thông số.

Cuộc khủng hoảng hiện nay ảnh hưởng rất nặng nề đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, tuy nhiên, bằng những biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đối với văn hóa nghệ thuật, chúng ta có thể tin rằng, không những “không ai bị bỏ lại phía sau”, mà các tổ chức văn hóa nghệ thuật, các nghệ sỹ sẽ là động lực mới để đất nước phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch.

PGS.TS. BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc