Để đạo đức là hệ điều tiết hành vi xã hội

VHO- Sự việc gây tai nạn dẫn đến ẩu đả xảy ra khá phổ biến ở Việt Nam nhưng vụ việc ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương lại như một giọt nước tràn ly để chúng ta phải bàn về tình người cũng như đạo đức của con người trong xã hội hiện nay.

 Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 4 tháng 6 năm 2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW đã đánh giá về một số mặt còn hạn chế, yếu kém, trong đó có “Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại.” Điều này thể hiện sự đánh giá chính xác và lo ngại thực sự của Đảng đối với những hành vi, lối sống không phù hợp với đạo đức xã hội vẫn đang tồn tại khá nhiều trong đời sống thường ngày. Vụ tai nạn dẫn đến đánh người ở trên là một ví dụ cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ở góc tiếp cận xã hội học, bất kỳ một hành vi cá nhân nào cũng đều có những lý do xã hội riêng của nó. Trường hợp thanh niên 29 tuổi có hành vi đánh người sau tai nạn, ngoài lý do mang tính cá nhân như say rượu hay sẵn tính hung hãn, thì chúng ta cũng phải xét đến những lý do xã hội của tình trạng này. Giờ đây, chúng ta thấy nhiều người trở nên bức xúc hơn khi lâm vào những hoàn cảnh nhất định, và họ thường tự giải quyết những bức xúc của mình theo cách riêng mà ít khi tìm đến những giải pháp mang tính kiềm chế hơn như sự trợ giúp của cơ quan an ninh, hay các thoả thuận dân sự... Thực tế đó không phải là những hành động phù hợp với một xã hội đề cao giá trị của luật pháp, và đặc biệt hơn là thiếu sự điều chỉnh hành vi từ những giá trị đạo đức. Ở khía cạnh luật pháp, có lẽ chúng ta cần có những quy định cụ thể hơn, xử phạt nghiêm khắc hơn, từ đó làm gương cho những người sau. Nhưng theo tôi, đó vẫn chưa phải là giải pháp mang tính căn cơ cho những vấn đề đang phát sinh như trên. Giải pháp thực sự mà chúng ta cần nhấn mạnh đến chính là những câu chuyện liên quan đến văn hóa, hay cụ thể hơn là những điều chỉnh về đạo đức trong các hành vi ứng xử của con người.

Năm 2008, một người bạn Pháp đưa tôi đi dạo một vòng Paris trên chiếc xe của anh ấy. Trong lúc vừa lái xe, vừa giới thiệu về thành phố tuyệt đẹp này, anh ta lỡ va chạm với một chiếc xe khác. Tất nhiên, đây là sự việc chẳng ai mong muốn xảy ra nhưng mọi người lại xử lý vấn đề một cách rất văn minh. Anh bạn tôi xuống xe, cười rất tươi và xin lỗi một cách rất lịch sự. Sau khi 2 người cùng ký một bản giấy tờ, trao đổi với nhau số điện thoại, mọi việc được giải quyết ổn thoả. Không có lời qua tiếng lại và dường như cũng không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra như tôi e ngại. Đây là một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi và mỗi khi thấy cảnh va chạm xe ở Việt Nam lại càng khiến tôi nhớ hơn về sự kiện Paris đó. Câu hỏi day dứt ở đây là, tại sao chúng ta không thể ứng xử văn minh, nhân văn như trường hợp mà tôi chứng kiến để mỗi khi tai nạn xảy ra, những sự việc diễn ra sau đó nhiều khi lại nghiêm trọng hơn chính tai nạn đó? “Văn hóa là hệ điều tiết” nằm ở đâu trong việc điều hoà các mối quan hệ như thế này?

Những nguyên tắc đạo đức thường được xem là hệ điều tiết cho cách ứng xử của mỗi con người, nhờ đó, chúng ta biết kiềm chế hơn trong những hoàn cảnh khó khăn. Chính vì thế, xây dựng đạo đức luôn là ưu tiên trong sự phát triển của mỗi xã hội. Để đạo đức xã hội ngấm vào mỗi cá nhân, trở thành nguyên tắc hành động của mỗi cá nhân, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, tức là chúng ta cần có những gia đình, nhà trường, công sở, nơi làm viêc, các tổ chức đoàn thể lành mạnh, phát triển dựa trên những nguyên tắc đạo đức phù hợp. Khi hành động của cá nhân được dẫn dắt và chế ngự bởi những nguyên tắc đạo đức, chúng ta sẽ không còn phải thấy những hiện tượng nam thanh niên đánh học sinh như ví dụ ở trên, và sẽ thấy những điều tốt đẹp khác đến với xã hội từ sự tốt đẹp của những nguyên tắc đạo đức ấy, cũng như sẽ không cần đến sự can thiệp của pháp luật.

Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng câu dăn dạy của Phật: “Dứt bỏ nóng giận, diệt trừ tính kiêu căng, không luyến ái vật chất, không còn ham muốn dục vọng, sẽ giải thoát được mọi sự ràng buộc và không bao giờ bị phiền não”. Đây có lẽ là một số trong rất nhiều nguyên tắc để chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn, và từ đó xây dựng nên một xã hội tươi đẹp hơn!

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc