Đặt niềm tin vào vắcxin!
VHO- Năm 2001, nước Anh xảy ra tranh cãi khá gay gắt về việc tiêm vắcxin khi Thủ tướng Anh vào thời điểm đó Tony Blair đã từ chối cho biết con trai ông, Leo Blair, ra đời ngày 20 tháng 5 năm 2000 đã tiêm mũi vắcxin có 3 tác dụng phòng sởi, quai bị và rubella chưa? Đây không chỉ là câu chuyện liên quan đến một cá nhân, mà còn liên quan đến khoa học và cả văn hóa. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn rất phức tạp như hiện nay, nhiều quốc gia coi vắcxin là cứu tinh để họ vượt qua dịch bệnh và khó khăn, để nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường.
Tuy vậy, câu chuyện niềm tin vào vắcxin sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng bao phủ 70% dân số của mỗi quốc gia để có thể tiến tới miễn dịch cộng đồng. Sự kiện ở nước Anh một lần nữa trở thành bài học kinh nghiệm để vắcxin phát huy tác dụng tối đa trong hoàn cảnh hiện nay.
Ai cũng có quyền lo ngại về biến chứng khi tiêm vắcxin, vì về lý thuyết, tiêm phòng vẫn có những rủi ro nhất định. Một số người ủng hộ Thủ tướng Tony Blair cho rằng, việc tiêm hay không tiêm vắcxin cho con Thủ tướng là quyền riêng tư cần được tôn trọng, và gia đình ông không cần phải chịu trách nhiệm về y tế cộng đồng. Tuy nhiên, cuối cùng, Thủ tướng Anh cũng nhượng bộ và ngày 21 tháng 12 năm 2001, báo chí Anh nhất loạt đưa tin Leo Blair đã được tiêm vắcxin 3 tác dụng.
Thực ra, câu chuyện tương tự như vậy không hề hiếm ở nhiều nước trên thế giới. Nó chỉ trở nên nghiêm trọng khi liên quan đến gia đình Thủ tướng - một người cần phải làm gương để chứng minh những lợi ích của việc tiêm vắcxin đối với toàn dân. Chính câu chuyện này khiến chúng ta liên tưởng tới việc gần đây Tổng thống Mỹ Joe Biden hay nhiều vị nguyên thủ quốc gia khác là một trong số những người tiêm vắcxin phòng Covid-19 đầu tiên như là cách để chứng minh hiệu lực của vắcxin và khuyến khích người dân làm theo hành động của mình.
Chế tạo vắcxin là một công việc của khoa học, chính vì thế, nó cần bảo đảm theo đúng quy trình cẩn trọng, nghiêm túc để tạo ra sự an toàn nhất có thể. Việt Nam chúng ta đang thử nghiệm vắcxin lần 3 và mới chỉ hy vọng là đầu sang năm 2022 mới có thể đưa vào sử dụng đại trà là vì lý do như thế. Các loại vắcxin như AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, Moderna hay Sputnik V… đều đã trải qua một quá trình thử nghiệm kỹ lưỡng như vậy. Chính vì thế, tin vào vắcxin chính là tin vào khoa học.
Trong hơn một năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã khiến hơn một nửa dân số toàn cầu phải sống trong giãn cách xã hội, gây ra cái chết cho hơn 2 triệu người và đe dọa cuộc sống cho hàng tỷ người khác. Cả nhân loại đang thực sự ở trong một cuộc chiến và tất cả chúng ta đều mong muốn dịch bệnh sớm chấm dứt để cuộc sống quay trở lại bình thường. Vắcxin được xem là giải pháp hợp lý nhất để giải phóng cho tất cả; sử dụng vắcxin là thể hiện trách nhiệm đạo đức đối với cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Chắc chắn có những tai biến sau khi tiêm, nhưng chúng ta không vì lý do này mà làm chậm lại, lung lay niềm tin vào vắcxin. Trên thế giới đã xuất hiện phong trào anti-vắcxin, nhưng thực tế lợi ích của vắcxin Covid-19 là rất rõ ràng. Có thể khẳng định, 100% người tiêm chủng nếu có mắc bệnh thì sẽ nhẹ hơn và không dẫn đến tử vong. Đây là yếu tố rất quan trọng để thực hiện tiêm chủng. Người dân cần hiểu rõ lợi ích của vắcxin và những phản ứng không mong muốn, để có niềm tin vào vắcxin. Vắcxin sẽ luôn đi kèm với “5K”. Như thế, ủng hộ và thực hiện việc tiêm vắcxin và thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành y tế chính là cách chúng ta bảo vệ chính mình, bảo vệ cộng đồng và thể hiện trách nhiệm trước những khó khăn của đất nước. Mỗi người là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh để chúng ta vững niềm tin vào một chiến thắng Covid-19 đang đến rất gần!
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN