Đạo đức xã hội trong nạn dịch nCoV
VHO- Ngạn ngữ Anh có câu “Friend in need is friend indeed”. Dịch sang tiếng Việt là “Bạn bè trong lúc khó khăn mới thực sự là bạn”. Khi dịch bệnh nCoV đang bùng phát, đây chính là lúc chúng ta nghĩ nhiều nhất đến tình người nói riêng, hay đạo đức xã hội nói chung trong thời kỳ do dịch bệnh gây ra.
Trong thời kỳ khó khăn luôn tồn tại hai thái độ, một là lợi dụng khó khăn để mưu lợi cho bản thân; hai là hành động chia sẻ với mọi người để cùng vượt qua khó khăn. Cả hai thái độ đó đều thể hiện tính cách, nhân cách của một con người. Chúng ta hay nói, hành động định nghĩa con người. Một hành động không đơn thuần là tự phát mà nó là kết quả của một chuỗi những tính toán vị tha và vị kỷ.
Nói tất cả những điều ấy để chúng ta cùng nhau suy nghĩ về những điều nên làm, đáng làm trong bối cảnh xã hội chung sức vượt qua bệnh dịch.
Em Nguyễn Ngọc Trinh gửi toàn bộ số tiền được lì xì ngày Tết góp với Thành đoàn Hà Nội để mua khẩu trang và viết thư gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Quay trở lại với thực tế, ở Việt Nam, chúng ta thấy những biểu hiện xuống cấp đạo đức đau lòng khi chỉ ngay trong 3 ngày đầu công bố dịch bệnh thì đã có hơn 1.200 nhà thuốc bị phạt vì vi phạm giá bán khẩu trang, hay tranh nhau mua khẩu trang, không nhường nhịn người đến sau, đến mức “cháy” hàng, hoặc có thông tin nói rằng xuất hiện tình trạng thu mua khẩu trang dùng rồi để tái chế, bán lại cho người khác. Những hành động đó là vị kỷ, ích kỷ, trục lợi trên sự lo lắng của xã hội. Đây là những hành động đáng bị xã hội lên án vì nó làm tổn hại đến những giá trị của xã hội, trong đó có những giá trị như “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… vốn là triết lý sống của người Việt.
Nhưng chúng ta cũng thấy ấm lòng khi đọc được những dòng tin tức tôn vinh đạo đức kinh doanh viết về một doanh nghiệp dệt may tặng 70.000 khẩu trang vải kháng khuẩn cho người dân, hay dòng tin truyền cảm hứng về lòng tốt như của bé gái lớp 4 viết thư cho Thủ tướng Chính phủ với mong muốn được góp toàn bộ tiền mừng tuổi để mua khẩu trang, và sau đó phát miễn phí tại một bến xe ở Hà Nội. Không chỉ ở Việt Nam, lòng tốt và những giá trị đạo đức đang truyền cảm hứng cho toàn thế giới. Giữa tâm dịch nCoV, có rất nhiều câu chuyện về tình người ấm áp, đặc biệt là tại “tâm bão” thành phố Vũ Hán. Với bác sĩ He Wei là một chuỗi ngày làm việc không biết mệt mỏi, y tá Shan Xia từ bỏ mái tóc để thuận tiện cho công việc, tránh lây nhiễm chéo, hàng trăm y bác sĩ và người tình nguyện ở khắp Trung Quốc sẵn sàng đến Vũ Hán để điều trị, giúp đỡ người bệnh. “Vũ Hán cố lên” là hashtag chiếm được nhiều sự quan tâm toàn cầu. Tất cả cho chúng ta một niềm tin rằng, tính thiện luôn đem lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống, và điều đó càng được thể hiện nhiều hơn trong khó khăn.
Đối với một cá nhân, nghĩ cho mọi người là một trách nhiệm đạo đức. Hành động đẹp được thể hiện qua cơn bão dịch bệnh nCoV giúp chúng ta tin tưởng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống. Đạo đức xã hội đôi khi không phải là điều gì đó quá to tát hay quá trừu tượng mà nó có thể được biểu hiện cụ thể qua hành động của một em bé học lớp 4, một doanh nghiệp,… để lan toả những thông điệp tích cực của cuộc sống.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN