Cùng tiết kiệm để phòng, chống Covid-19 hiệu quả

VHO- Tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp nhiều nơi trên thế giới, nhất là các nước láng giềng xung quanh chúng ta. Nước ta tuy đã khống chế thành công dịch Covid-19 nhưng khó mà dự đoán chính xác khi nào mới hết dịch hoàn toàn. Để đối phó, các địa phương rất cảnh giác và có nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh lây lan, cứu chữa người bị nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ rất quan trọng không kém là phải đảm bảo tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. 
 Bởi vì, nếu để xảy ra đứt gãy kinh tế, sản xuất đình đốn, ngưng trệ và dẫn đến suy thoái kinh tế thì hậu quả xã hội tiêu cực rất khó lường. Suy thoái kinh tế không những sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, nhất là người nghèo. Hiện nhiều nước trên thế giới sau thời gian bị dịch bệnh hoành hành đang lâm vào tình trạng rất khó khăn. Nguồn lực dần cạn kiệt, không đủ tài chính, trang thiết bị để phòng chống, đối phó với dịch Covid-19. Thậm chí, nhiều nước như Ấn Độ thừa nhận trong nước không còn đủ nguồn lực, nhờ giúp đỡ, hỗ trợ từ quốc tế để chống dịch, nguy cơ vỡ trận rất rõ ràng!
Trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì ngoài việc tập trung phát triển sản xuất, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô thì biện pháp cấp bách là phải tiết kiệm nguồn lực, giảm tối đa các khoản chi chưa cần thiết. Bởi nguyên tắc “bất di bất dịch” là khi chưa thể kiếm được nhiều tiền thì trước hết phải tiết kiệm chi tiêu, dành dụm nguồn lực hiện có để cầm cự dài lâu, nhất là dịch bệnh toàn cầu chưa biết khi nào dừng lại! Thực tế hiện nay, một số địa phương đang yêu cầu cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện việc giảm chi, giảm chi ngân sách chi thường xuyên, chi đặc thù chưa thật sự cần thiết như tổ chức hội nghị, hội thảo, truyền thông, đi công tác... Điều này nhằm đảm bảo nguồn lực chi cho các nhiệm vụ cấp bách như công tác phòng chống dịch, chi cho đầu tư công, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, chi trực tiếp phục vụ cho con người.
Vì vậy cơ quan có thẩm quyền cần quyết liệt hơn nữa trong việc cắt giảm những khoản chi chưa cần thiết. Bởi lẽ, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, diễn biến khó lường thì tiết kiệm nguồn lực là rất quan trọng, quyết định sự thành bại trong việc thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa giữ vững sản xuất, phát triển kinh tế. Tiết kiệm nguồn lực không chỉ để tập trung chống dịch hiệu quả mà còn dành để đầu tư phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

 ThS PHẠM VĂN CHUNG 

Ý kiến bạn đọc