Cử chỉ nhỏ làm “tan chảy” cộng đồng
VHO- Cách đây nhiều năm, những hình ảnh ghi lại cảnh một đoàn học sinh Nhật Bản qua đường, sau đó đồng loạt quay lại cúi đầu, khoanh tay cảm ơn các bác tài xế đã nhường đường cho mình khiến cả thế giới trầm trồ khen ngợi, thậm chí ngưỡng mộ nền giáo dục cũng như văn hóa đất nước Mặt trời mọc.
Động thái ấy của những em học sinh khiến nhiều người Việt, trong đó có cả người viết cảm thấy ngường ngượng vì mình không làm được điều tưởng chừng đơn giản đó khi tham gia giao thông hay trong một vài tình huống thường nhật của cuộc sống. Bởi hành động “cúi đầu cảm ơn” chưa được chúng ta tạo thành thói quen tất yếu phải làm. Những hình ảnh khiến không ít người trong mỗi chúng ta “ngậm ngùi” khi nhìn lại văn hóa giao thông của chính mình.
Hôm qua, dư luận lại một lần nữa lên tiếng trầm trồ khen ngợi, nhưng đi cùng với đó không còn là sự “ngậm ngùi xấu hổ” mà là xúc động, tự hào khi chứng kiến hình ảnh cậu học trò lớp 4 ở TP Cần Thơ, trên đường đi học về được bác tài dừng lại nhường đường, em đã khoanh tay cúi đầu cảm ơn một cách rất đỗi tự nhiên, rất đỗi đáng yêu khiến trái tim người xem tan chảy, khiến bác tài xế cũng cảm thấy ấm lòng và ngay lập tức đăng tải đoạn clip lên trang Facebook cá nhân để lan tỏa câu chuyện đẹp này rộng hơn trong cộng đồng. Hành động của cả người tài xế và em học trò bé nhỏ đều nhận được “cơn mưa” lời khen từ cư dân mạng.
Có thể nói, văn hóa ứng xử luôn là chuẩn mực để đánh giá nhân cách một con người, trong đó, lời cảm ơn và xin lỗi là một chuẩn mực xác thực nhất, bởi những lời nói ấy không chỉ đem niềm vui tới cho người nhận, mà còn có “sứ mệnh” giải tỏa khúc mắc, gỡ rối các quan hệ khiến người ta sống vị tha hơn, gần nhau hơn và thêm yêu cuộc sống này hơn. Mấy mươi năm về trước, khi thế hệ người viết bắt đầu ê a hai mươi tư chữ cái, thì trong các tiết học Đạo đức, cảm ơn, xin lỗi là bài học đầu tiên. Nó không hề thiếu vắng và hoàn toàn không phải là “của lạ” như bây giờ. Nhiều năm trở lại đây, nền tảng đạo đức tuy không đến nỗi như một số người báo động nhưng rõ ràng đã mờ nhạt đi nhiều. Tiếng cảm ơn, xin lỗi cứ thưa dần. Hình như người ta không biết đến nó hay đã cố quên đi, hay những lời ấy quá khó để nói ra? Thậm chí có những ý kiến tiêu cực còn e ngại rằng rồi sẽ có lúc nó “tuyệt chủng” khi cuộc sống ngày càng hiện đại và con người ngày càng tôn vinh chủ nghĩa cá nhân.
Tuy nhiên, chứng kiến hình ảnh đẹp cậu học trò trong bộ đồng phục dường như quá khổ so với thân hình nhỏ bé, chúng ta lại thấy nhen lên niềm tin và hy vọng về thế hệ tương lai của đất nước. Ủy ban MTTQ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã có ngay động thái để hình ảnh đẹp này lan tỏa trong giới trẻ, đó là tặng giấy khen biểu dương cho em học sinh có hành động đẹp khi tham gia giao thông. Nên chăng, từ câu chuyện này, chúng ta hãy phát động một phong trào nói lời hay, làm việc tốt để tiếng cảm ơn và xin lỗi ngày càng hiện diện nhiều hơn, để xã hội của chúng ta ngày càng nhân văn hơn, con người ngày càng đoàn kết và gắn bó với nhau nhiều hơn.
ĐỖ CAO HUYỀN