Cộng đồng trách nhiệm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản
VHO- Di sản văn hóa là kết tinh giá trị, tài năng của con người Việt Nam qua chiều dài lịch sử của đất nước, vì thế, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm đạo đức của thế hệ hiện nay.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, di sản văn hóa ở nước ta đã bị mai một dần do nhiều nguyên nhân như nhận thức, chiến tranh, khó khăn về kinh phí, sự tác động của quá trình giao lưu văn hóa và kinh tế trong cơ chế thị trường...
Bối cảnh xã hội hiện tại, với tầm quan trọng của di sản văn hóa trong phát triển đất nước, buộc chúng ta phải có những cách tiếp cận phù hợp với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là quan điểm phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm và huy động nguồn lực xã hội trong hoạt động đặc biệt quan trọng này.
Khi bàn về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, nhiều người thường nghĩ đến vai trò và trách nhiệm của chính quyền, nhất là ở Trung ương. Điều này đúng trên cơ sở thực tế, chỉ có chính quyền Trung ương mới có đủ nguồn lực (nhân lực và tài chính), có thể ban hành chính sách, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát hệ thống các văn bản này trong thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chỉ một mình Trung ương đứng ra làm nhà bảo trợ chính và duy nhất cho di sản văn hóa thì nhiều bất cập sẽ xảy ra như chúng ta đã từng thấy sự quan liêu trong hoạch định chính sách, cào bằng trong phân bổ nguồn lực, tính tự phát, thất thường trong tổ chức, và đặc biệt hơn cả là thiếu tính bền vững nếu không có sự tham gia chủ động và tích cực của địa phương, đặc biệt là các cộng đồng sở hữu di sản. Như vậy, để làm tốt việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản thì trước hết cần phải nâng cao nhận thức về trách nhiệm của toàn xã hội đối với di sản văn hóa. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải làm cho tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và từng thành viên trong cộng đồng hiểu quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với di sản, theo đó quyền tổ chức, điều hành, tham gia hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản chính là sự phân cấp, phân quyền, đa dạng hóa chủ thể quản lý, nhằm thu hút đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia tổ chức các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo sự hướng dẫn, quản lý của Nhà nước.
Trên thực tế, chúng ta thấy, vai trò nổi bật và sự chủ động tham gia của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở nhiều di tích, lễ hội truyền thống. Sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cấp chính quyền Trung ương, tỉnh, địa phương và sự tham gia, hưởng ứng của doanh nghiệp, đông đảo người dân và du khách thập phương đã góp phần làm nên thành công của bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, và tạo nên sức sống, sự lan tỏa của di sản. Di sản văn hóa là tài sản chung của cả dân tộc, không phải tài sản của riêng ai. Vì vậy, sự thành công trước hết phải bắt đầu bằng tinh thần cộng đồng trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, khai thác tính tích cực, chủ động, tự giác của người dân, của cả cộng đồng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể từ Trung ương, tỉnh đến cơ sở.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN