Có lẽ cũng từ cách làm mà ra...

VHO- Chuyện cũng chẳng có gì đáng phải bàn tán mấy ngày qua nếu như trong danh sách được nhận hỗ trợ từ Nhà nước theo Nghị quyết 68 của Chính phủ không hoặc chưa xuất hiện những gương mặt “đình đám” trong những bộ phim nổi tiếng trên truyền hình gần đây, mặc dù xét theo tiêu chuẩn, điều kiện, mặc nhiên họ được nhận. Dư luận bàn tán cũng có cơ sở, nhưng nếu bình tâm suy xét dưới nhiều góc cạnh, nhất là có cái nhìn rộng hơn, sâu hơn về đời sống của người nghệ sĩ hiện nay, những nghệ sĩ đang hoạt động trong các đơn vị công lập thì tin rằng chúng ta sẽ thiên về sự chia sẻ là nhiều hơn.

Nói như thế để thấy đa phần nghệ sĩ hiện đứng chân trong các đơn vị nghệ thuật công lập ở những thành phố lớn, cho đến các địa phương và lại đắm mình đeo đuổi sự nghiệp trong những loại hình nghệ thuật truyền thống, có hoàn cảnh không dư dả gì, nếu không muốn nói không đủ trang trải cuộc sống từ đồng lương hằng tháng. Hãy nhìn vào hoàn cảnh của một nghệ sĩ ở Thủ đô mà có tờ báo đã phản ánh: Mai Anh, nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long, nằm trong số 99 nghệ sĩ nhận trợ cấp đợt đầu tiên, thuộc gói giải ngân 26.000 tỉ đồng của Chính phủ. Là mẹ đơn thân, đang nuôi hai con nhỏ, hai năm nay, cuộc sống chị thiếu trước hụt sau do sân khấu liên tục đóng cửa, không thể biểu diễn. Hồi đầu năm, chị mở gánh bán bánh giò, đồ ăn vặt ở vỉa hè, từ 6 rưỡi sáng đến tối, kiếm thêm tiền mua sữa, thức ăn cho con. Từ ngày Hà Nội bùng dịch, nguồn thu ít ỏi đó không còn. Cuộc sống của ba mẹ con chỉ dựa vào 3,7 triệu đồng tiền lương cơ bản. “Hiện tại cả nước có rất nhiều hoàn cảnh chật vật nên khi nhận được trợ cấp, tôi thấy may mắn và trân quý vô cùng”, Mai Anh cho biết.

Đây là điều đáng buồn vì họ chưa thật đủ đầy để yên tâm đeo đuổi, cống hiến cho nghệ thuật. Nói cho đúng hơn, nghệ thuật mà họ đang đeo đuổi, đăm đắm với sự tâm huyết vẫn chưa mang lại cho họ sự yên tâm để cống hiến. Và những nghệ sĩ như Mai Anh là con số chiếm phần lớn, phần nhiều, còn những nghệ sĩ thật sự khá giả, có thu nhập ổn định bằng nghề tay trái... thì ít lắm. Nắm bắt được thực cảnh ấy cùng với đề nghị của hội nghề nghiệp, cơ quan Bộ, ngành có liên quan đã kiến nghị với Chính phủ xem xét, quyết định đưa đối tượng nghệ sĩ hạng IV trong các đơn vị công lập được nhận tiền hỗ trợ, bởi đây là lực lượng quan trọng trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Xin nhớ rằng, họ cũng chỉ là một trong những đối tượng được Chính phủ quan tâm hỗ trợ.

Nhưng vì sao lại có chuyện nghệ sĩ không biết mình có tên trong danh sách được nhận hỗ trợ? Vì sao lại có chuyện nghệ sĩ mong cấp trên linh hoạt hơn để tránh bị mang tiếng “không khó khăn nhưng vẫn tham nhận gói hỗ trợ”? Chủ trương, chính sách là đúng nhưng người viết ngờ rằng ở đâu đó những đơn vị nghệ thuật công lập đã hơi bị rập khuôn, máy móc trong việc lên danh sách theo tiêu chí, điều kiện “cứng” rồi cào bằng ai đã là diễn viên, hoạ sĩ, đạo diễn... thuộc hạng IV là sẽ được nhận, mà bỏ qua tổ chức công đoàn, phụ nữ, thanh niên nhằm nắm bắt kỹ hơn hoàn cảnh của từng đối tượng. Thậm chí, những đối tượng sẽ được hưởng chính sách cũng không được ai khảo sát, lấy ý kiến ví như anh, chị ngoài thu nhập chính là tiền lương còn có thu nhập nào khác nữa không để được trợ cấp, hay nhường lại cho những người khó khăn hơn. Vì thế mới dẫn đến câu chuyện mà dư luận bàn tán, và có lẽ những nghệ sĩ “được” hay “bị” nhắc tên cũng cảm thấy chạnh lòng bởi tâm tư, nguyện vọng của họ ít người thấu hiểu.

Trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách như hỗ trợ cho nghệ sĩ sẽ khó tránh khỏi những vấp váp, bởi vậy các đơn vị nghệ thuật công lập trong cả nước cần nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan và tránh cách làm máy móc, rập khuôn trong việc thống kê, lập danh sách mà cần sàng lọc, lựa chọn đối tượng, lấy ý kiến từ chính người sẽ được nhận hỗ trợ... Việc làm này không có gì là khó, chỉ hơi mất công một chút thôi. 

l NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc