Chuyện làng Bồm và 2 triệu đồng
VHO- Có vẻ như vụ việc xâm phạm di tích qua hình thức “làm mới” giếng cổ ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), bằng cách sơn vẽ để làm bối cảnh cho bộ phim Chuyện làng Bồm sẽ được khép lại khi chính quyền nơi đây đã xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng đối với một thành viên đoàn làm phim. Trước đó đoàn làm phim đã khắc phục bằng cách làm sạch lớp sơn vẽ ấy, song dường như người dân vẫn chưa hết ấm ức bởi hành vi viết, vẽ, khắc... lên di tích đã bị nghiêm cấm từ lâu, ít nhất là gần mười năm trở lại đây. Hơn nữa, đoàn làm phim đều là người lớn, có ý thức trong việc truyền đi những giá trị văn hóa đến với công chúng, nhưng lại có những hành vi hết sức non nớt như con trẻ.
Thật ra câu chuyện viết, vẽ, khắc nhằm để lại “dấu ấn” cá nhân mình lên di tích như văn bia, hiện vật, tháp, tượng... đã diễn ra trong một thời gian rất dài và dư luận xã hội, báo chí, chuyên gia, nhà quản lý đã phải lên tiếng gay gắt về vấn nạn thiếu văn hóa này. Đó là sự phản ứng của những người có trách nhiệm bảo vệ di sản, còn trên thực tế nó vẫn cứ âm thầm diễn ra, ít và gần như không có trường hợp bị phát hiện, xử lý theo quy định nhằm răn đe với kẻ khác. Có lẽ đoàn làm phim Chuyện làng Bồm bị xử phạt là một trong những trường hợp hiếm bị “tóm”. Ai cũng biết hành vi viết, vẽ, khắc bậy bạ lên di tích sẽ làm tổn thương như thế nào đến di vật, hiện vật, công trình. Cũng chính vì lẽ đó đã bị nghiêm cấm kèm theo là hình thức xử phạt vi phạm hành chính nếu trong trường hợp mức độ… nhẹ, “kịch kim” chỉ xử phạt đến 3 triệu đồng. Dư luận cho rằng mức xử phạt này sẽ không còn tác dụng răn đe nữa vì nó có như không.
Chắc những ai quan tâm đến những hành vi xâm phạm nghiêm trọng di sản ở trên còn nhớ đến một sự kiện cách đây hơn hai năm, đó là giới chức Nhật Bản đã phải mở cuộc điều tra truy tìm thủ phạm vẽ bậy lên di tích lịch sử của quốc gia, nghi là người Việt Nam làm. Đó là chữ A.HÀO cùng hai ký hiệu hình ngôi sao và trái tim trên một phiến đá di tích thành cổ Yonago, tỉnh Tottori. Sự việc lúc ấy không chỉ bùng lên sự phẫn nộ ở cộng đồng người Nhật mà còn dấy lên sự giận dữ, nỗi lo ngại và xấu hổ ở cả người Việt. Nói như thế để thấy rằng, ở nhiều nước trên thế giới, những hành vi gây huỷ hoại, tổn thương di sản văn hóa, kiến trúc bị họ xử lý rất nghiêm và rất nặng, chứ không nhẹ nhàng như ở mình. Có thể kể thêm ra mấy ví dụ, tháng 10.2018, BBC đưa tin một du khách Anh có tên Lee Furlong bị cáo buộc phun sơn viết tên mình lên bức tường ở cổng Tha Phae, địa điểm nổi tiếng ở tỉnh Chiang Mai, Thái Lan. Nhà chức trách Thái Lan xác nhận Furlong bị buộc tội “phá hoại địa điểm khảo cổ” và “tác giả” đối mặt với án phạt lên tới 10 năm tù giam cùng mức phạt hơn 1 triệu baht (23.500 USD).
Hay như năm 2017, một phụ nữ Pháp cũng bị cảnh sát bắt vì viết tên mình lên một trong những cây cột tại Đấu trường La Mã nổi tiếng ở thủ đô Rome của Italia. Trong quá khứ, các tòa án đặc biệt nghiêm khắc với những hành động phá hoại ở Đấu trường La Mã, đơn cử là mức phạt 20.000 euro dành cho một du khách Nga viết chữ “K” to tướng lên những cây cột tại đây vào năm 2016. Tháng 12.2016, Italia phê chuẩn dự luật quy định mức phạt cho những hành động cụ thể liên quan tới phá hoại các công trình, di sản văn hóa, trong đó gia tăng mức phạt tù tối đa từ 1 năm lên 5 năm...
Dẫn ra ở trên cũng với mong muốn rằng, một mặt cần tăng cường tuyên truyền sâu đậm, liên tục hơn nữa về những hành vi bị nghiêm cấm gây huỷ hoại đến di sản, mặt khác, dư luận xã hội cần lên án mạnh mẽ hơn để đẩy lùi vấn nạn kinh khủng này. Cạnh đó, cấp có thẩm quyền đã đến lúc cần xem xét, điều chỉnh theo hướng tăng nặng chế tài để qua xử lý phải có tác dụng răn đe thật sự, khiến cho nhiều đối tượng khác phải run sợ trước khi có ý định làm tổn thương di tích. Có như vậy mới mong khắc phục được hành vi xấu xí này.
l NGUYỄN THANH SƯƠNG