Chuyển đổi số, con đường tất yếu
VHO- Sự tàn phá khủng khiếp nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng của đại dịch Covid-19 cho thấy cách quản lý và kinh doanh truyền thống đã không đủ khả năng chống chọi, phải có sự chuyển đổi ngay để tồn tại và phát triển. Kết nối đơn tuyến giữa các bộ phận của quá trình sản xuất, kinh doanh không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Bà Nguyễn Ánh Nguyệt, giám đốc Chính sách Công tại Việt Nam của Tập đoàn Facebook thuyết trình nền tảng mạng xã hội hỗ trợ phát triển du lịch Ảnh Trần Huấn
Trong vòng 5-10 năm tới, có thể các mô hình kinh doanh du lịch truyền thống sẽ "tuyệt chủng", khách du lịch sẽ giao dịch chủ yếu "trên không gian ảo". Rõ nhất là Grab, hãng vận chuyển quốc tế không sở hữu bất kỳ một phương tiện giao thông nào; hệ thống cho thuê phòng trên toàn thế giới mà không sở hữu một phòng nào; Amazon, đế chế bán lẻ toàn cầu không có cửa hàng nào... Không những có thể xoá bỏ mô hình kinh doanh truyền thống, những ứng dụng thành tựu trong công nghệ số sẽ làm tăng năng suất, doanh thu của doanh nghiệp. Kinh tế chia sẻ mới ra đời khoảng 10 năm nay nhưng giá trị đi xe chung (ví dụ như Grab, Uber, Bee) năm 2019 đạt tới 61 tỉ đô la Mỹ, giá trị của chia sẻ chỗ ở (Airbnb, Luxstay...) đạt 40 tỉ đô la Mỹ. Dự báo, đến năm 2025, giá trị kinh tế chia sẻ sẽ đạt 335 tỉ đô la Mỹ.
Diễn đàn kinh thế thế giới (WEF) ước tính việc chuyển đổi số giai đoạn 2015-2025 sẽ tạo ra 305 tỉ đô la Mỹ cho ngành Du lịch, tạo ra lợi ích khoảng 700 tỉ đô la Mỹ thông qua việc giảm tác động đến môi trường, tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách. Quan trọng là chuyển đổi số sẽ hình thành chuỗi giá trị, hệ sinh thái giá trị toàn cầu, đồng thời chuyển đổi quá trình giao tiếp với khách du lịch và marketing dịch vụ du lịch, mở ra những cách thức mới, có tính sáng tạo cao trong việc cung cấp dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách. Khi đó, khách du lịch sẽ là Thượng đế. Dù ở một chỗ, họ cũng có vô vàn sự lựa chọn chỉ bằng vài cú “click” chuột thay vì phải đến một công ty du lịch nào đó, ngồi chọn trong giới hạn hàng trăm hoặc cao lắm là hàng nghìn tour, dịch vụ du lịch. Khách cũng dễ dàng chuyển đổi dịch vụ nếu muốn. Họ có thể huỷ khách sạn này, sang ở khách sạn khác cũng với giá tiền tương tự mà không mất phí, không mất thời gian, không cần đến các nhân viên khách sạn… tất cả đều được thực hiện trên máy tính hoặc thiết bị thông minh.
Dần dần, máy móc sẽ tham gia sâu hơn vào việc hình thành sản phẩm, kinh doanh du lịch, con người sẽ làm việc ít đi. Đặc biệt, sau đại dịch, các loại hình du lịch không biên giới, du lịch không tiếp xúc, du lịch không dịch chuyển sẽ tăng lên… công nghệ thông tin sẽ làm cho ai cũng được du lịch mà không tốn kém, thậm chí không cần đi lại. Không những vậy, cảm xúc của khách không bị giảm đi mà có khi còn nhiều hơn, khách sẽ thấy mình muốn gì cũng được, được “chiều chuộng” và đáp ứng vô điều kiện.
Đây là thời mà kinh tế chia sẻ lên ngôi. Du lịch, một ngành kinh tế tổng hợp, có nội hàm văn hoá sâu sắc, có mối quan hệ ràng buộc với nhiều ngành kinh tế khác được kỳ vọng sẽ đi đầu trong việc chuyển đổi số và sẽ mang lại lợi ích to lớn cho đất nước nói chung, doanh nghiệp nói riêng.
NGUYỄN ANH