Chống dịch không thể để người dân chắp tay “lạy giời” chờ may rủi
VHO- Nhìn hình ảnh người dân Hà Nội đổ ra đường ngày Trung thu không khỏi rùng mình và thầm “lạy giời” bởi chỉ một trường hợp F0, thành quả của hơn 2 tháng nỗ lực đổ sông, đổ biển.
Nhìn lại thời gian qua, Hà Nội đã thu được một số những thành quả phòng chống dịch covid khá ấn tượng. Đời sống người dân không đến mức quá khó khăn. Công tác an sinh xã hội ổn định. Ca F0 giảm mạnh. Dịch từng bước bị đẩy lùi và đang dần được khống chế. Tỉ lệ người dân được tiêm vắc xin đạt cao… Hà Nội giữ vững được “thành trì”, tạo niềm tin vững chắc cho cả nước.
Đây là thành quả đáng ghi nhận, song, thành quả này chỉ được giữ vững khi có chủ trương đúng của chính quyền và thái độ tuân thủ qui định, không lơ là, chủ quan của người dân..
Tiếc rằng, vào ngày đầu tiên Hà Nội nới lỏng giãn cách, đã xuất hiện hiện tượng mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm theo qui định. Vẫn biết sau một thời gian dài “tù túng”, tâm lý “sổ lồng” cũng là dễ hiểu. Song, đây là việc rất không nên bởi dịch có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Ông Trương Quang Việt - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội bày tỏ: "Rõ ràng Chỉ thị 22 của TP Hà Nội đã nêu rõ toàn thành phố thực hiện theo Chỉ thị 15 và cao hơn Chỉ thị 15, khuyến cáo ai không có việc gì thì nên ở nhà, không nên ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết. Thế nhưng người dân đã không thực hiện theo khuyến cáo, điều này rất nguy hiểm vì mầm bệnh thâm nhập vẫn còn, vẫn trong cộng đồng, tiếp xúc nhiều sẽ tăng nguy cơ lên".
Về lỗi của một số người dân là không thể biện minh. Song, về phía chính quyền, tiếc là lệnh nới lỏng giãn cách được “bung ra” đúng vào ngày Tết Trung thu cổ truyền. Việc này khiến không thể không đặt câu hỏi: Hà Nội đã quyết liệt hơn 2 tháng, sao không để thêm một hai ngày sau tết Trung thu hãy nới lỏng giãn cách?
Có thể nói, tâm lý “sổ lồng” cộng với trùng vào dịp tết Trung thu là những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng chen chúc vừa qua.
Những diễn biến trên không chỉ gây lo ngại cho lãnh đạo và người dân Hà Nội mà còn là sự lo ngại của cả nước. Người bạn tôi ở Sài Gòn là Nhà thơ, Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Tổng biên tập báo Sức khỏe & Đời sống đã phải thốt lên: “Bây giờ, người dân chỉ biết trông chờ vào sự may rủi. Chống dịch mà lại để người dân cầu mong vào sự may rủi thì bao giờ mới hết”.
Vâng! Có lẽ tất cả chúng ta giờ chỉ có một cách là chắp tay “lạy giời” chờ may rủi…để không có tình huống xấu xảy ra sau sự việc đêm qua tại Hà Nội.
BÙI HOÀNG TÁM