Chẳng lẽ chào thua hội chứng “khoe thân” nơi công cộng?
VHO- Còn nhớ mấy tháng trước đây khi nhìn thấy những hình ảnh phản cảm của ông Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion) và những người bạn trên đèo Mã Pì Lèng, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc không giấu nổi phẫn nộ: "Bọn điên này ở đâu?”.
Dư luận lúc đó bức xúc đòi phải có hình thức xử phạt, xử lý nghiêm minh nhưng Trưởng Công an huyện Mèo Vạc đã phải “chào thua” khi cho biết, do không thuộc thẩm quyền để xử phạt nên chỉ nhắc nhở và yêu cầu nhóm người này gỡ bỏ những hình ảnh, clip đã đăng tải lên mạng xã hội.
Vụ Hiếu Orion và những người bạn đang dần rơi vào quên lãng khi không có bất kỳ một hình thức xử lý, xử phạt nào thì dư luận lại tiếp tục dậy sóng khi mấy ngày qua lại xuất hiện “bọn điên” khác khoe thân trên đoạn đèo cũng được cho là tại Hà Giang. “Bọn điên này ở đâu” mà lên Hà Giang lắm thế? Xin thưa, khắp nơi chứ không chỉ có Hà Giang. Trong vòng một năm qua, trên rừng xuống biển, thôi thì đủ cả, từ hồ Tuyền Lâm ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đến “Tuyệt tình cốc” ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), thậm chí cả trên nóc quán cà phê ở Hội An (Quảng Nam)… Đáng buồn trong đó không ít danh lam thắng cảnh, di tích quốc gia, di sản thế giới bị ô uế, vấy bẩn trước những hành vi phản cảm này.
Nhà hàng Panaroma tại đèo Mã Pí Lèng, nơi Hiếu Orion và những người bạn có những hành vi phản cảm
Không phải các Bộ, ngành và địa phương không có những quy định về ứng xử văn minh nơi công cộng. Cũng như Hà Nội đã triển khai được vài năm, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn gồm 14 điều, trong có có quy định đối với du khách “Sử dụng trang phục phù hợp, lịch sự khi đi du lịch, đặc biệt tại những di tích tín ngưỡng, cơ sở thờ tự, nghĩa trang liệt sĩ, lễ hội truyền thống…”.
Phải khẳng định những bộ quy tắc nói trên đã có tác dụng tích cực, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần giáo dục, điều chỉnh những hành vi “lệch chuẩn” của người dân, du khách trong và ngoài nước khi tham gia du lịch trên địa bàn. Nhìn chung các quy định đầy đủ tuy nhiên thiếu sức răn đe vì đã là quy tắc thì không có chế tài xử lý. Bởi vậy trước những hành vi phản cảm, vi phạm như trên, ai là người xử lý và xử lý như thế nào hay chỉ nhắc nhở như cách mà Công an huyện Mèo Vạc đã làm thì vẫn là câu hỏi đang bỏ ngỏ.
Kể cũng lạ. Đến thoáng như Tây, việc khỏa thân ở một số điểm du lịch không còn xa lạ nhưng những người theo chủ nghĩa tự nhiên cũng phải hoạt động trong khuôn khổ, theo những quy định hết sức nghiêm ngặt, bị phạt tiền, thậm chí vướng vào vòng lao lý nếu vi phạm. Cũng chẳng phải đâu xa, các nước trong khu vực như Singapore hay Campuchia cũng đã có quy định và đã từng xử lý nghiêm vấn nạn này rồi. Thế mà ở Việt Nam…
Cách đây 8 tháng, tại cuộc tọa đàm “Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tai nạn giao thông?”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia bày tỏ: “Đừng nghĩ xử phạt là để phạt mà là một biện pháp để giáo dục, tuyên truyền. Đây là hình thức mạnh hơn lời cảnh báo. Cảnh báo bằng tiền, bằng chế tài lao động công ích, cảnh báo bằng việc bỏ tù để thay đổi hành vi, thói quen”.
Khi hành vi uống rượu bia gây tai nạn giao thông đang có dấu hiệu “nhờn” thuốc, đúng như lời ông Khuất Việt Hùng, rất cần những “biện pháp giáo dục, tuyên truyền” cao hơn, đủ sức răn đe. Điều này cũng đúng khi điều chỉnh những hiện tượng “lệnh chuẩn” nơi công cộng. Chỉ tiếc, căn bệnh trầm kha này vẫn chưa có thuốc để điều trị, lấy đâu ra mà “nhờn”. Đã đến lúc cần có những văn bản quy phạm pháp luật để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, phản cảm đang làm hoen ố hình ảnh, gây bức xúc trong dư luận chứ không chỉ dừng các bộ quy tắc như hiện nay.
PHAN THANH NAM