Chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn, xây dựng môi trường nghệ thuật hướng thiện

VHO -Chúng ta luôn đánh giá cao vai trò của nghệ thuật đối với sự phát triển đất nước. Nghệ thuật trước hết phải vì con người, vì cuộc sống, từ đó mới lan tỏa được giá trị chân - thiện - mỹ và định hướng sự phát triển đạo đức xã hội. Tuy nhiên, để nghệ thuật đi vào lòng người và truyền cảm hứng của sáng tạo, thì nghệ thuật cũng đồng thời phải là cái đẹp và tôn vinh cái đẹp. Có được điều đó, nghệ thuật sẽ có ý nghĩa nhiều hơn trong cuộc sống.

Chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn, xây dựng môi trường nghệ thuật hướng thiện - Anh 1

 Diễn viên Hữu Tín bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy Ảnh: CÔNG AN CUNG CẤP

Với sự đồng hành của nghệ thuật, chúng ta sẽ có một đời sống tinh thần tích cực và lành mạnh, vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được thắng lợi cuối cùng một cách dễ dàng hơn. Chính vì thế, người nghệ sĩ, trung tâm của nghệ thuật, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Chúng ta luôn mong muốn họ là những tấm gương sáng để truyền cảm hứng tích cực cho toàn xã hội. Trên báo Cứu quốc số 1986, ngày 5.1.1952 có đăng toàn văn Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có đoạn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Lời của Bác như một sự khẳng định về vai trò, vị trí và ý nghĩa của các văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Do hoàn cảnh đất nước ta nên người nghệ sĩ có trách nhiệm nặng nề (và cũng là vinh dự) đối với sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt là đạo đức xã hội. Có thể ở một quốc gia khác, trong một nền văn hóa khác, sự đánh giá về đạo đức của nghệ sĩ ít khắt khe hơn, vì dù sao họ cũng là con người của nghệ thuật, cần sự ngẫu hứng sáng tạo, thậm chí đôi khi là khác người để có thể tạo ra các tác phẩm. Đồng thời, họ cũng được xem xét với tư cách là người bình thường, vì thế, họ cũng có thể bị những cám dỗ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư. Nhưng đối với những đất nước Á Đông, đặc biệt là Việt Nam, người nghệ sĩ thường nhận được sự quan tâm khắt khe hơn, cả ở khía cạnh tác phẩm và con người. Đó là lý do tại sao mỗi khi nghệ sĩ có hành động lệch chuẩn, phản cảm, vi phạm pháp luật thì luôn dấy lên dư luận đòi phải “cấm sóng”, “phong sát”... Trường hợp diễn viên Hữu Tín bị bắt khi đang sử dụng ma túy cũng ở trong hoàn cảnh như vậy. Vì pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là luật pháp tối đa, nên trước hết, người nghệ sĩ sẽ phải bị xử lý theo các quy định cụ thể của pháp luật. Bên cạnh áp lực từ dư luận xã hội, chúng ta cũng cần có những chế tài mạnh mẽ hơn như cấm sóng, cấm quay lại biểu diễn trong một khoảng thời gian nhất định hoặc vô thời hạn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng trong hành vi của nghệ sĩ. Điều này sẽ trả lại môi trường trong lành cho nghệ thuật, có tác dụng tốt đối với sự phát triển đạo đức cho xã hội.

Về cơ bản, chúng ta không cấm hoàn toàn nghệ sĩ quay lại biểu diễn, cống hiến cho nghệ thuật và công chúng. Nhiều nghệ sĩ thực sự rất tài năng, nếu chúng ta biết cách sử dụng tài năng đó thì nghệ thuật nói riêng, đất nước nói chung cũng được hưởng lợi. Hơn thế, người Việt Nam chúng ta có câu: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, vì thế, trong những trường hợp nhất định, nghệ sĩ có thể quay lại với nghệ thuật. Tuy vậy, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

Thứ nhất là sự cầu thị của người nghệ sĩ, nếu họ có quyết tâm và nỗ lực để thay đổi bản thân theo hướng tích cực. Trong tác phẩm Thoái Thực ký văn, tác giả Trương Quốc Dụng viết: “Người không có gì tốt bằng sửa lỗi. Phi Mạnh đời Trần làm An phủ sứ Diễn Châu, vì nhận hối lộ nên bị giáng chức, sau được phục quan. Người ta khen rằng: “An phủ sứ Diễn Châu trong như nước”. Cũng một con người, trước sau đức hạnh khác nhau. Vì thế quân tử quý ở chỗ thấy thiện thì theo, có sai thì sửa vậy”. Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều nghệ sĩ đã trưởng thành hơn, đóng góp nhiều hơn cho nghệ thuật, cho công chúng sau những cú vấp ngã ban đầu. Đó là ví dụ cho thấy quá trình hoàn thiện bản thân của nghệ sĩ, cũng là bài học tốt cho những người có thể đã có những sai lầm nhưng bằng quyết tâm sửa chữa, họ đã trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Thứ hai là mức độ nghiêm trọng trong hành vi của nghệ sĩ. Những hành vi do vô tình, bồng bột, thiếu hiểu biết… có thể được dư luận xã hội tha thứ, cảm thông, nhưng cũng có những hành vi nghiêm trọng, lặp đi lặp lại nhiều lần thì không thể bỏ qua được. Đối với những trường hợp như vậy thì cách tốt nhất là nên bài trừ ra khỏi đời sống nghệ thuật, điều này không chỉ tốt cho xã hội nói chung mà còn tốt cho chính nghệ sĩ đó. Khi xây dựng được môi trường nghệ thuật hướng thiện, chúng ta có điều kiện để phát triển con người Việt Nam toàn diện, hướng tới ước mơ thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc! 

 PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc