"Cấp cứu" hay quảng danh?

VHO- Những ngày qua dư luận nói chung và cá nhân người viết nói riêng thật sự phấn khích khi được nghe thông tin về đề xuất dự án làm “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh sông Tô Lịch”. Sự hân hoan, phấn khích này là hoàn toàn có thật bởi hàng thập niên qua dòng sông lịch sử, dòng sông di sản, dòng sông chứa đựng những câu chuyện văn hóa, còn hơn là nhân chứng của biết bao thời cuộc này đã bị tổn thương một cách nghiêm trọng. Cũng trong hàng thập kỷ qua ấy rất nhiều nhà nghiên cứu, rất nhiều cơ quan Bộ, ngành, rất nhiều đời lãnh đạo đã bày tỏ sự tâm huyết nhằm “cứu chữa thân thể” cho dòng sông Tô Lịch.

 Tất thảy những sự tâm huyết đó dường như phải dừng bước trước những lực cản... vô hình. Thiếu tiền ư, chắc chắn không phải vì Hà Nội không đến mức không đủ kinh phí để “cấp cứu” một dòng sông mà ở đó khi nhắc đến tên ai cũng phải nghiêng mình vì giá trị tinh thần của nó. Vậy vấn đề gì mà sông Tô Lịch cứ phải oằn mình cõng kẽo với vô số thứ ô nhiễm với thời gian dài như thế? Chúng tôi đã làm một phép thử là đọc lại trong rất nhiều văn bản của TP Hà Nội về xử lý môi trường trong đó có sông Tô Lịch. Gần như văn bản nào cũng đề cập rất sâu sắc rằng cần phải xử lý triệt để ô nhiễm môi trường đối với dòng sông này. Thế nhưng năm này qua năm khác, thế kỷ 20 vắt sang thế kỷ 21 sông Tô Lịch vẫn vậy!

Để rồi đây, vào những ngày trung tuần tháng 9 vừa qua, chúng ta lại được nghe một phát “pháo sáng” biến sông Tô Lịch trở thành một công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh. Ghi nhận với chúng tôi, rất nhiều chuyên gia đầu ngành về lịch sử, văn hoá, khảo cổ... trong đó có những người rất khó tính bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và thậm chí có người nói rằng, “tôi sẽ ủng hộ một cách miễn phí để đầu tư chất xám cho dự án này”. Nhưng rồi sau đó, họ lại đặt ra một câu hỏi đầy day dứt, vậy phải chăng dự án này có lãng mạn như những nhà văn, nhà thơ đã tả về dòng sông Tô Lịch hay không? Sự lãng mạn, đáng yêu thì ai cũng thích thú nhưng sự lãng mạn này là như thế nào, chắc chắn nó không phải như là dòng sông của thế kỷ 19, thế kỷ 18.

Cá nhân người viết ủng hộ xuyên suốt đối với dự án này, trong đó có cả những dự định rất táo bạo “nhằm sánh vai” với nhiều quốc gia khác trong việc cải tạo, phục hồi một dòng sông di sản. Tuy nhiên, sự tự tin đến mấy cũng khiến cho người lạc quan nhất cũng phải đặt ra câu hỏi có thể mang tính quyết định: Đây có phải là sự quảng bá cho thương hiệu tập đoàn, công ty hơn là làm sạch, làm đẹp, làm văn minh cho một dòng sông?

Kể ra những điều trên cũng nhằm tới một mục đích với bao nhiêu đau đáu: Liệu rằng Công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh sông Tô Lịch có trở thành hiện thực hay không một phần phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh của người ra quyết định, cụ thể ở đây là người có trách nhiệm? 

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc