Cần “ưu tiên” người dân khi sáp nhập

VHO- Theo chủ trương chung, thời gian tới việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện sẽ diễn ra đồng loạt. Ngay từ đầu năm 2020 sẽ có rất nhiều đơn vị hành chính mới ra đời từ việc sáp nhập từ nhiều đơn vị hành chính cũ. Vì vậy, nhiều vấn đề cần phải giải quyết như sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư, ổn định tổ chức bộ máy để đi vào hoạt động, nhất là xây dựng phương hướng phát triển kinh tế - xã hội...

Liên quan đến việc sáp nhập các đơn vị hành chính, vấn đề mà cơ quan chức năng và dư luận xã hội đang quan tâm nhiều nhất là giải quyết tình trạng dôi dư cán bộ, công chức, tránh xáo trộn bộ máy...

 Tuy nhiên, một vấn đề khác quan trọng là việc làm lại giấy tờ nhân thân cho người dân, doanh nghiệp để họ ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh.

Để triển khai hiệu quả nội dung này cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho công dân, tổ chức trong việc làm lại giấy tờ tùy thân, thay đổi đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Theo đó, cần giảm tối đa thủ tục, hồ sơ và thời gian giải quyết việc thay đổi giấy tờ tùy thân cho người dân, đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền nên thành lập các tổ, đội lưu động xuống tận các thôn, làng, tổ dân phố tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức.

Bên cạnh đó, xem xét miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp khi làm lại giấy tờ tùy thân, đăng ký lại hoạt động vì lý do thay đổi địa giới hành chính. Bởi vì đây là lý do khách quan thực hiện chủ trương của Nhà nước chứ không xuất phát từ nhu cầu từ phía người dân. Vì vậy, ngoài việc tập trung ổn định tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý thì việc giải quyết, làm lại các giấy tờ tùy thân cho người dân, ổn định sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Điều này không những đảm bảo việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đạt được kết quả tốt nhất mà còn tạo ra sự phấn khởi, đồng tình ủng hộ của người dân.

Không nên vì quá tập trung vào việc sắp xếp bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức mà bỏ quên quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, nhất là gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt bình thường của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bởi mục đích cuối cùng của việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính không chỉ là tinh gọn bộ máy, tinh giản cán bộ, công chức mà còn đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Có như vậy mới góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh, bền vững.

ThS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc