Cần thực tâm hơn nữa đối với giáo dục

VHO- “Bỏ ra ngàn tỉ xây chùa nhưng không ai xây trường học”, đó là ý kiến của TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân tại buổi tọa đàm về giáo dục mới đây. Có nhiều ý tranh luận xung quanh vấn đề này suốt thời gian qua, trong đó nhiều ý kiến đồng tình, và ngược chiều về nhận định này.

Có thể nói đây là cách đặt vấn đề khá nhạy cảm nhưng lại mang tính thời sự, bức bối trong giai đoạn hiện nay. Thực tế hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng bỏ hàng trăm, thậm chí cả ngàn tỷ đồng để xây dựng chùa chiền, các cơ sở thờ tự nhưng lại rất ít người bỏ tiền ra xây trường học.

 Đặc biệt là việc quyên góp, ủng hộ với số tiền lớn cho việc xây dựng trường học lại càng hiếm. Nếu ủng hộ, chủ yếu theo kiểu làm từ thiện với số tiền khiêm tốn.

Như vậy, rõ ràng chưa có sự quan tâm đúng mức cho sự nghiệp giáo dục của xã hội. Bởi lẽ, trong nhiều văn bản quy định đều coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, phải được ưu tiên. Tuy nhiên, thực tế thì chưa thu hút được nhiều sự quan tâm đầu tư, quan tâm ủng hộ từ phía các tổ chức tư nhân, người dân. Thực ra những năm gần đây công tác giáo dục và đào tạo đã nhận được sự đầu tư từ nguồn lực xã hội. Minh chứng là từ con số 0 đến nay hệ thống trường tư thục đã có bước phát triển vượt bậc, đều khắp. Hầu như bậc học, cấp học nào cũng có sự đầu tư từ nguồn lực xã hội, tư nhân từ mầm non cho đến bậc đại học, sau đại học.

Tuy nhiên, cơ chế, chính sách còn nhiều điểm chưa hợp lý nên chưa thu hút, khuyến khích được tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư cho giáo dục. Trước đó, có thầy giáo còn dọa nhảy cầu Thăng Long vì e ngại một số nội dung quy định tại Luật Giáo dục (sửa đổi) làm mất quyền sở hữu và điều hành của nhà đầu tư trường tư thục.

Hiện nay, nguồn lực đầu tư cho giáo dục chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, sự đóng góp của tư nhân không đáng kể, chưa khai thác hết tiềm năng trong nhân dân. Do đó, cần có sự đột phá về cơ chế, chính sách là rất quan trọng nhằm thu hút được nguồn lực từ xã hội. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân về tầm quan trọng của việc đầu tư cho giáo dục, tin tưởng vào việc đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Đồng thời, khắc phục tâm lý quá coi trọng các hoạt động tâm linh, sẵn sàng bỏ tiền vào đó mà lại “tiếc” tiền đầu tư vào giáo dục!

Để thu hút đầu tư cho giáo dục từ tư nhân, các nguồn lực xã hội, cần có cơ chế thông thoáng, nhiều ưu đãi đặc biệt, thiết thực. Tuyệt đối không chỉ hô hào, khẩu hiệu chung chung mà phải thực chất, nhất là “thực tâm” đối với giáo dục. 

PHẠM VĨNH LINH

Ý kiến bạn đọc