Cần kết nối “sâu” giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp
VHO- Hôm trước, chúng tôi được một cơ sở giáo dục mời đến nói chuyện chuyên đề về định hướng nghề nghiệp cho sinh viên trước khi ra trường. Qua tiếp xúc với các em người viết nhận ra một điều là vẫn còn khoảng cách khá xa giữa thực tiễn, đòi hỏi của cuộc sống với những kiến thức, kỹ năng mà các em được tiếp thu, đào tạo trong nhà trường.
Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục như trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, nhất là trường nghề
đang có sự kết nối với các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trong việc đào tạo học viên nhằm giúp người học có điều kiện sát thực tế với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc liên kết này chưa thật sự mang lại kết quả thiết thực như mong muốn vẫn còn những rào cản, thách thức cần phải vượt qua.
Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới việc này đã được triển khai từ lâu, vì thế học viên sau khi ra trường họ có thể bắt tay ngay vào công việc. Do đó, khi được nhận vào làm việc ở các DN, cơ quan mà không cần phải mất công đào tạo lại hoặc phải tập sự hành nghề. Việc kết nối giữa người học với các DN, cơ quan, tổ chức có nhu cầu có nhiều lợi thế. Cụ thể, việc hợp tác, liên kết đào tạo giữa DN và cơ sở giáo dục sẽ giúp cho cơ sở giáo dục, đào tạo nhận được nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ thiết thực từ các DN, nhất là công tác nghiên cứu khoa học hoặc thử nghiệm sản phẩm mới. Qua liên kết các cơ sở giáo dục sẽ có thêm nguồn lực quan trọng để mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy cũng như mời được các chuyên gia giỏi về ngành, lĩnh vực đào tạo truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho học viên.
Liên kết này sẽ giúp học viên có điều kiện, cơ hội thực tập, làm việc, nghiên cứu tại các DN ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Điều này tạo điều kiện cho họ nắm bắt nhanh hơn kiến thức công việc, tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên ngành được đào tạo, không bỡ ngỡ khi đi làm chính thức sau này. Từ đó, tiết kiệm được thời gian, nguồn lực cho xã hội, DN, nhất là học viên khi ra trường không phải đào tạo lại! Cùng với đó, học viên vừa học, vừa được thực hành nhiều tại các DN sẽ giúp họ tránh được tâm lý chán nản vì buộc phải học lý thuyết quá nhiều lại khô khan, ít thực tiễn, giao lưu với xã hội bên ngoài. Học viên, sinh viên có nhiều thời gian thực hành sẽ nâng cao được trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong chuyên ngành đào tạo của mình mà còn giúp cơ sở giáo dục nắm bắt, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh, thực tế đời sống xã hội. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho xã hội.
Ngoài ra, khi đi làm tại DN ít nhiều học cũng có thêm nguồn thu nhập, có khoản để chi tiêu bớt đi khó khăn, thiếu thốn trong thời gian theo học, nhất là đối với các học viên nghèo. DN cũng có được nguồn lao động dồi dào với giá cả phải chăng. Có thể nói là nhiều bên cùng có lợi cả cơ sở giáo dục, người học lẫn DN.
THS PHẠM VĂN CHUNG