Cần hài hòa giữa "tình và lý"

VHO- Trước những đau thương, mất mát của người dân miền Trung vừa trải qua cơn lũ dữ, nhiều cá nhân và nhóm thiện nguyện đã kêu gọi cộng đồng quyên góp tiền bạc, nhu yếu phẩm để cứu trợ đồng bào một cách kịp thời. Đây là hành động rất thiết thực và ý nghĩa, tuy nhiên, việc này cũng được cho là đang "vướng" vào quy định pháp luật về việc tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ theo Nghị định số 64/2008-NĐ-CP.

Trước hết, nói về việc thiện nguyện, người Việt ta vốn có truyền thống "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" từ bao đời nay.

 Mỗi khi có thiên tai, địch họa, cả hệ thống chính trị và cộng đồng đều hướng về đồng bào nơi nguy khốn, san sẻ, giúp đỡ để họ sớm vượt qua hoạn nạn. Chính vì vậy, trong những ngày này, người dân trên mọi miền Tổ quốc đã dồn hết tâm, sức, lực để đến với vùng thiên tai một cách nhanh nhất. Những bếp lửa đỏ thâu đêm cho ra những mẻ bánh chưng thơm dẻo, những bao gạo, thùng mì tôm, chai nước sạch từ mọi nẻo đường cùng tụ đến vùng rốn lũ. Đặc biệt, có những cá nhân đã quyên góp được số tiền rất lớn lên đến cả trăm tỉ đồng, như ca sĩ Thủy Tiên. Tuy nhiên, số tiền “khủng” này đã nảy sinh ra hệ lụy: Liệu Thủy Tiên cũng như nhiều cá nhân, tổ chức khác có vướng vào “vùng cấm” của luật hay không?

Điều 5 Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ban hành ngày 14.5.2008 của Chính phủ quy định “các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ” bao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN; Hội Chữ thập đỏ VN; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương; Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được phép hoạt động theo quy định của Chính phủ; Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN cấp tỉnh, cấp huyện cho phép. Tại điều này cũng nêu rõ: “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.

Tuy nhiên, Điều 2 của Nghị định này lại có câu: “Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất”.

Như vậy, có thể nói quy định pháp luật chưa bắt kịp với thực tế. Nếu Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp và vận động đóng góp thì sao lại có quy định: “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”? Cho nên, cần thiết có sự sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp và nhất quán.

Quyên góp tiền ủng hộ đồng bào khó khăn là việc làm tốt đẹp và cần lan tỏa, nhưng nếu bất cứ cá nhân, tổ chức thiện nguyện nào muốn làm lâu dài thì nên xin phép thành lập quỹ để hoạt động theo đúng quy định pháp luật. Còn nếu chỉ làm trong một số trường hợp cụ thể thì cần cân đối, hài hòa giữa “tình và lý”, không nên nhận quá nhiều, quá sức sẽ phát sinh hệ lụy, gây ảnh hưởng tiêu cực đến ý nghĩa nhân văn của hoạt động này. 

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc