Cần “đặc biệt” với bảo vật quốc gia
VHO- Mới đây Bộ VHTTDL tiếp tục có văn bản gửi các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia; lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 10 năm 2021. Sở dĩ cần phải nhấn mạnh đến việc Bộ VHTTDL tiếp tục có văn bản về vấn đề này là bởi trước đó Bộ đã có nhiều công văn gửi các địa phương, trong đó đề nghị cần kíp có biện pháp bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia một cách xứng tầm, nhưng sự chuyển biến lại không nhiều.
Nói cách khác, ở không ít địa phương có bảo vật quốc gia chưa thật sự quan tâm đầu tư kinh phí cho việc bảo quản, bảo vệ chứ chưa dám nói đến công tác phát huy, quảng bá...
Cách đây không lâu chúng tôi về một tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ để một lần nữa được “tận mục sở thị” một bảo vật quốc gia được công nhận đợt đầu. Thế nhưng, khi được tiếp cận nhiều người trong đoàn không khỏi ngạc nhiên bởi bảo vật quốc gia bị ứng xử theo kiểu... nhà nghèo. Nghĩa là, từ công tác bảo quản đến bảo vệ hơi bị sơ sài, chỗ trưng bày cũng xập xệ. Một người trong đoàn có hỏi rằng, “vì sao lại để bảo vật quốc gia như thế này” thì nhận được câu trả lời “cơ sở vật chất của bảo tàng còn chật hẹp, chưa được cải tạo, nâng cấp nên đành để vậy. Đơn vị cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt kinh phí, với lý do là còn nhiều công việc cần kíp hơn. Cũng đau xót nhưng chưa biết làm cách nào”. Thực tế này không chỉ diễn ra ở địa phương chúng tôi đến mà nhiều nơi khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Còn có một thực trạng khác nữa là nhiều cổ vật sau khi được công nhận là bảo vật quốc gia, vì lo sợ không đảm bảo an ninh, an toàn nên nhiều cơ sở cất kỹ trong kho, “cửa đóng then cài” đến định kỳ mới đưa ra bảo quản. Một chuyên gia nói với chúng tôi rằng, “bảo vật quốc gia là những giá trị khác biệt thì phải được ứng xử khác biệt. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn đang ứng xử với bảo vật quốc gia như với một di tích, một cổ vật chứ chưa theo cơ chế đặc biệt cho một hiện vật đặc biệt”. Với tư cách là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, vị này nói “tới đây tôi cũng sẽ đề xuất với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nếu cơ sở, địa phương nào không báo cáo hiện trạng cùng phương án bảo vệ, bảo quản các bảo vật quốc gia hiện có thì không nên gửi hồ sơ xin xét công nhận bảo vật quốc gia mới nữa”.
Chính vì những vấn đề còn hạn chế nêu trên, trong văn bản lần này gửi đến các Bộ, ngành và địa phương, Bộ VHTTDL đã nhiều lần nhấn mạnh đến hai chữ “đặc biệt”: Kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia; khu vực trưng bày của bảo tàng và khu vực thuộc di tích, nơi lưu giữ bảo vật quốc gia phải được đặt trong chế độ đặc biệt... Vì vậy, nếu chính quyền địa phương nơi có bảo vật quốc gia không có sự quan tâm đặc biệt, không có một cơ chế đặc biệt và không có sự đầu tư kinh phí theo diện đặc biệt cho việc nâng cấp công trình, hạ tầng kỹ thuật kho bảo quản, khu vực trưng bày thì bảo vật quốc gia sau khi được công nhận vẫn phải chịu chung số phận giống khi nó chưa là bảo vật quốc gia.
NGUYỄN THANH SƯƠNG