“Cách người ta đối xử với nhau đã làm tôi gục ngã”
VHO- Hà Nội bỏ lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đúng vào Tết Trung thu và kết quả là hàng ngàn người dân đã đổ ra đường, tập trung ở những nơi trung tâm bất chấp nguy cơ dịch bệnh. Qua đây cho thấy một sự thật nào đó về ý thức phòng dịch của người dân để Hà Nội cần phải thay đổi chiến lược.
Rất đông người dân ở Hà Nội đổ ra đường đêm Trung thu bất chấp quy định phòng chống dịch Covid-19
Hình ảnh Hà Nội đón Trung thu được cập nhật trên nhiều mặt báo, khắp các diễn đàn mạng xã hội và bay cả vào miền Nam, nơi tâm dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, hàng nghìn người lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Mỗi người một ý kiến, đa phần là lên án, bức xúc với thái độ thờ ơ, coi thường dịch bệnh của một bộ phận người dân. Nhưng có lẽ thấm thía nhất vẫn là cảm xúc của một bác sĩ được chi viện vào TP.HCM chống dịch nhiều tháng qua
Bác sĩ Vũ Mạnh Cường (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) đang làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) - TP.HCM do Bệnh viện Bạch Mai quản lý bày tỏ hai trạng thái trái ngược nhau, niềm vui và nỗi buồn của mình trên trang Facebook cá nhân.
“Ngày 20.9 có một dấu mốc quan trọng, ICU Bạch Mai chính thức thực hiện thủ thuật mở khí quản trên bệnh nhân Covid thở máy kéo dài, đó là những nỗ lực cuối cùng níu kéo bệnh nhân ở lại trên thế giới này. Sẽ chằng có gì đáng nói nếu phẫu thuật thực hiện trong điều kiện bình thường nhưng trong bệnh viện dã chiến, nơi thiếu thốn nhiều thứ và nguy cơ lây nhiễm cao. Tôi đã rất vui sau khi thực hiện thành công ca đầu tiên. Vui hơn nữa là lượng bệnh nhân nặng vào điều trị đã giảm rất nhiều. Tiếp tục nhận tin vui khi số ca mắc ở Hà Nội cũng đã giảm hẳn và thực hiện Chỉ thị 15 thay vì 16”. Vui đấy, nhưng bác sĩ Cường đã khóc: “Và 24h sau đó, tôi nhận được hình ảnh của bạn bè ngoài Hà Nội gửi cho về đêm Trung thu rất nhộn nhịp, và giọt nước mắt đã lăn trên má. Tôi thấy tủi thân cho hơn chục nghìn nhân viên y tế vào TP.HCM chống dịch trong hơn 2 tháng qua… Tôi hận ý thức người dân không tuân thủ quy định giãn cách. Khó khăn không làm tôi chùn bước nhưng cách người ta đối xử với nhau đã làm tôi gục ngã”. Câu cuối mà bác sĩ Cường viết là “mong muốn được trở về nhà”.
Chịu làm sao nổi khi các y bác sĩ hy sinh bản thân, tạm xa gia đình để cứu bệnh nhân, còn một nơi nào đó người dân lại thoải mái vui chơi không nghĩ đến hậu quả. Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội cũng chỉ biết nén một tiếng thở dài: “Hy vọng trong số những người đi chơi Trung thu hôm đó không có F0 nào, chứ chỉ cần 1 - 2 F0 thì nguy cơ sẽ rất cao. Và người đã đi rồi cần tự theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc, nếu có biểu hiện ho, sốt cần phải khai báo y tế ngay”. Sẽ không thể có lời biện minh nào cho những người ra đường, đi chơi Trung thu vừa qua.
Nhiều người có tinh thần trách nhiệm cao với ý thức phòng dịch đã tỏ ra tiếc nuối kiểu như nhẽ ra Hà Nội nên “mở cửa” từ 6h sáng ngày 22.9 thay vì ngày 21.9 thì tránh được “đêm Trung thu em xách người đi chơi”, và hy vọng những ngày tiếp theo không phải xử lý hậu quả từ đêm Trung thu đông nghịt người ấy. Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh khác lại cho thấy đó là dịp để phơi bày ý thức phòng bệnh, sự tuân thủ chưa được hình thành sau 4 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trái lại có tâm lý “xả hơi”, thậm chí là chủ quan, lơ là của người dân để từ đó Hà Nội kịp thời có những chiến lược mới.
NGUYÊN KHANG