5 đời Chủ tịch vẫn chưa có câu trả lời về một ngôi đình!

VHO- Thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề Việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX diễn ra chiều qua 8.12, đại biểu Tô Thị Bích Châu thẳng thắn cho rằng, TP.HCM chưa thực sự quyết liệt trong công tác bảo tồn di sản.

5 đời Chủ tịch vẫn chưa có câu trả lời về một ngôi đình! - Anh 1

 Lãnh đạo ban, ngành các cấp cùng các chuyên gia đầu ngành về khảo cổ, lịch sử đến khảo sát đình Nam Tiến, quận 4, TP.HCM vào tháng 3.2014. Ảnh: P.Đ.M

Bà Châu dẫn chứng, nhà của cụ Vương Hồng Sển cùng với các hiện vật cổ, khi cụ mất có giao lại cho thành phố nhưng đến nay không còn gì. Đình Nam Tiến (quận 4), suốt 5 đời Chủ tịch UBND quận 4 đã kiến nghị UBND TP có giải pháp với đình này, đến nay chỉ là miếng đất trống.

“Đẩy qua đẩy lại gần 30 năm chưa có câu trả lời về một ngôi đình! Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng có ý kiến là phải phục dựng lại, vậy có phục dựng hay không? Nếu không thì chuyển đổi thành công trình công cộng để người dân được thụ hưởng, không nên để lãng phí”, bà Châu bức xúc.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê trực diện: TP.HCM gần như buông trôi công tác bảo tồn. Thành phố giàu về cổ vật, phong phú về bảo tàng nhưng rất tiếc thời gian qua do sự hiểu biết có hạn chế, quản lý chưa vào nề nếp khiến xã hội phải xót xa trước cách hành xử và bảo quản. Còn đại biểu Đinh Thị Thanh Thủy đặt vấn đề: “Liệu TP.HCM có mạnh dạn đưa ra ngoài danh mục các di tích đã không còn đáp ứng được các tiêu chí của di tích, bởi theo thời gian cũng có sự mai một, không giữ gìn được. Trong 172 di tích được công nhận, rõ ràng hiện có những di tích không còn phát huy được giá trị nữa”.

Vì đâu nên nỗi? Một nguyên nhân khách quan thường được đọc gần như thuộc lòng tại các kỳ họp HĐND và chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” khi bàn về bảo tồn di sản văn hóa ở TP.HCM là bị “áp lực về quá trình đô thị hóa, sức ép về tăng dân số…”. Đúng là có thực trạng đó nhưng còn nguyên nhân chủ quan? Như lời của đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, đó là “cách hành xử và bảo quản” hay ví dụ sống động “suốt 5 đời Chủ tịch quận, gần 30 năm chưa có câu trả lời về một ngôi đình” mà đại biểu Tô Thị Bích Châu đã chỉ ra.

Trong một lần trao đổi, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết: TP.HCM không giữ được di tích, công trình quan trọng là do thiếu kiến thức, thiếu quyết tâm bảo tồn! Một khi kiến thức của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước nói chung và kể cả chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn không theo kịp với sự phát triển; vấn đề giáo dục, cung cấp kiến thức cho cán bộ quản lý còn chậm so với yêu cầu, đặc biệt là công tác bảo tồn “gần như buông trôi” thì di sản văn hóa không bị mai một, dần bị biến mất mới là lạ.

Trong khi đó, như nhiều người đã chỉ ra, một thành phố với 320 năm hình thành và phát triển như TP.HCM nhưng cho đến nay vẫn chưa có một công trình văn hóa kiến trúc, nghệ thuật xứng tầm. Nhiều nhà hát ở thành phố, như Văn Hóa đã nhiều lần phản ánh, rơi vào tình trạng đìu hiu một phần do cơ sở vật chất không đảm bảo. Nói là nhà hát nhưng “hát” mà không có “nhà”, phải đi thuê, mượn, sửa chữa vá víu… Không an cư khó lạc nghiệp, nhiều khi đành phải biểu diễn lấp liếm qua ngày.

Rõ ràng trong thời gian qua, công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị tại TP.HCM dù đạt được những kết quả nhất định song vẫn tồn tại quá nhiều bất cập. Trong khi chưa có những thiết chế văn hóa “ra tấm, ra món” thì cần chú trọng công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những di tích hiện có. Cái mới chưa có, cái có không lo giữ, không lo xa tất sẽ nguy gần.

PHAN THANH NAM

Ý kiến bạn đọc