Lễ cúng trưởng thành của đồng bào Ê Đê ở Phú Yên

VHO - Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê là một tập tục văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Ê Đê ở Phú Yên. Theo đó, bất cứ chàng trai, cô gái Ê Đê nào vào độ tuổi từ 15 đến 20 tuổi đều phải thực hiện Lễ cúng trưởng thành.

Lễ cúng trưởng thành của đồng bào Ê Đê ở Phú Yên - Anh 1

Nghi thức Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê

Người Ê Đê hiện nay sinh sống ở nhiều địa phương khác nhau ở tỉnh Phú Yên, nhưng nhiều nhất là ở hai huyện Sông Hinh và huyện Sơn Hòa. Người Ê Đê ở Phú Yên theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Người Ê Đê ở Phú Yên quan niệm ở ba thế giới: Trên trời, dưới đất và những thần trong khoảng không giữa đất và trời (thần ánh sáng: mặt trời, mặt trăng, thần thời tiết...).

Vì vậy, trong quá trình sinh sống và lao động sản xuất, người Ê Đê ở Phú Yên đã tiến hành các lễ nghi nông nghiệp tương ứng (từ khi gieo hạt đến ngày thu hoạch), cũng như các nghi lễ vòng đời người, cầu mong sức khỏe và tuổi thọ. Nghi lễ vòng đời bao gồm: Lễ cúng đặt tên, lễ cúng thổi tai, lễ cúng trưởng thành, lễ hỏi chồng, lễ bắt chồng, lễ tiễn đưa, lễ bỏ mả,...

Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê có ý nghĩa cầu nguyện các đấng thần linh che chở, phù hộ cho chàng trai, cô gái đến tuổi trưởng thành có nhiều sức khỏe, không ốm đau, bệnh tật, làm nương rẫy, gùi củi và dệt vải giỏi dang.

Già làng Niê Hơ Đăm (xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) cho biết: Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê là một tập quán xã hội, trở thành nét văn hóa ăn sâu vào đời sống đồng bào nơi đây. Theo đó, bất cứ chàng trai, cô gái Ê Đê nào bước vào độ tuổi từ 15 đến 20 tuổi đều phải có lễ cúng trưởng thành kết hợp với lễ cúng sức khoẻ (Yang-met awa). Đây là nghi lễ vô cùng quan trọng không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi con người, được tổ chức vào thời điểm có đủ lễ vật.

Lễ cúng trưởng thành của đồng bào Ê Đê ở Phú Yên - Anh 2

Các cô gái Ê Đê chung vui bên chum rượu cần sau lễ cúng

 Để tổ chức Lễ cúng trưởng thành, người Ê Đê ở Phú Yên phải chuẩn bị trong một thời gian dài như sửa chữa nhà cửa, ủ rượu ché, chọn heo đực thiến,... và mời thầy cúng. Trong nhà sàn chuẩn bị sẵn dàn chiêng 5, 1 cồng và 1 trống lớn. Lễ cúng trưởng thành của người đàn ông Ê Đê đã có vợ hoặc chưa có vợ đều được thực hiện trong 5 ngày với các nghi lễ tương tự, chỉ khác ở chi tiết người đàn ông Ê Đê đã có vợ có thêm nghi lễ thầy cúng đưa người được cúng về nhà vợ vào buổi chiều ngày cúng thứ ba.

Theo ông Niê Hơ Đăm, người Ê Đê quan niệm: Nếu trong một đời người mà không thực hiện được các nghi lễ này thì bản thân người đó và cả dòng họ anh em, họ hàng người đó sẽ mắc nợ thần linh, dù người đó chết đi thì người thân gia đình vẫn phải cúng để tạ thần linh. Tuy nhiên, Lễ được tổ chức to hay nhỏ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.

Theo thông lệ, tất cả mọi người trong buôn sẽ cùng tới chia vui cùng với gia đình có con đến tuổi trưởng thành. Đối với con trai thì cúng 3 lần, gồm: Lễ cúng rượu 3, rượu 5 và rượu 7; còn đối với con gái thường được dừng lại ở lễ cúng rượu 3. Lễ cúng bắt đầu bằng nghi thức rửa mặt ngoài bến nước của buôn làng. Từ sáng sớm, người được cúng lễ trưởng thành phải đi ra bến nước của buôn mình với trang phục truyền thống. Khi đến bến nước chàng trai, cô gái rửa mặt trước sự chứng giám của trời đất và thần bến nước cùng sự hiện diện của bà con trong buôn. Khi đã gội đầu xong, chàng trai, cô gái hứng nước đầy vào quả bầu mang về làm lễ cúng Yang (trời). Việc làm này có ý nghĩa là tẩy rửa sạch tội của người đó trong quá khứ.

Năn 2018, Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê tại hai huyện Sông Hinh và huyện Sơn Hòa, Phú Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến ngày 23.11.2018, UBND tỉnh Phú Yên, đã vinh dự đón nhân Bằng công nhận Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ cúng trưởng thành của đồng bào Ê Đê ở Phú Yên - Anh 3

Sau Lễ cúng trưởng thành là những vũ điệu ăn mừng dưới ngôi nhà Rông

Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê ở Phú Yên được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là vinh dự lớn đối với người Ê Đê ở Phú Yên mà sự kiện quan trong nhằm tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc ở Phú Yên đến với mọi người dân. Qua đó, giúp mọi người hiểu về những giá trị văn hóa cội nguồn, cùng nhau góp sức bảo tồn và phát huy giá trị di sản, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc