Khơi dậy lòng tự hào về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số

VHO - Mới đây, Sở VHTTDL Cao Bằng đã tổ chức lớp tập huấn truyền dạy kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2023 nhằm lan tỏa nét đẹp văn hóa, khơi dậy lòng tự hào về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Khơi dậy lòng tự hào về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số - Anh 1

Trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng là tài sản quý giá của văn hoá dân tộc. Ảnh minh họa

Cao Bằng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 95% dân số toàn tỉnh. Các dân tộc đều có lịch sử phát triển, có ngôn ngữ riêng, có hoạt động sản xuất và nhiều di sản văn hóa độc đáo riêng biệt tạo nên bức tranh văn hóa dân tộc đa dạng và phong phú. Trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc, cùng với tiếng nói, chữ viết và các di sản văn hóa khác, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc luôn là một thành tố quan trọng góp phần tạo dựng nên bản sắc văn hóa.

Tuy nhiên, những nét đẹp độc đáo, bản sắc trên trang phục truyền thống các dân tộc cũng đang dần biến đổi, mai một. Hiện nay, trang phục truyền thống không còn được sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày, nhiều bộ trang phục không còn nguyên gốc, thậm chí đã biến mất, mai một trong cộng đồng.

Nguyên nhân này xuất phát từ sự phát triển của xã hội, nhất là những yếu tố tác động trực tiếp đến tư duy lối sống, trong đó có sự tác động sự giao lưu và ảnh hưởng văn hóa làm thay đổi lối sống và trang phục của đồng bào. Nhiều người ngại mặc trang phục truyền thống dân tộc mình và cho rằng không phù hợp sinh hoạt đời thường. Với giới trẻ việc mặc trang phục truyền thống ít được coi trọng, do quan niệm sợ bị coi là lạc hậu và không tiện lợi trong sinh hoạt, học tập...

Khơi dậy lòng tự hào về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số - Anh 2

Không gian gới thiệu văn hóa Cao Bằng tại Ngày hội Văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người ở Lai Châu

Trước thực trạng đó, Sở VHTTDL Cao Bằng đã tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của trang phục dân tộc và đạt được những kết quả quan trọng. Mới đây, Sở VHTTDL Cao Bằng đã tổ chức lớp tập huấn truyền dạy kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2023, với sự tham gia của hơn 200 học viên là cán bộ văn hóa cơ sở, nghệ nhân, người có uy tín trên địa bàn Cao Bằng. 

Đây hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ năm 2021-2025, góp phần nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa, đời sống tinh thần và tạo việc làm, thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Cao Bằng.

Khơi dậy lòng tự hào về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số - Anh 3

Các học viên tham gia lớp tập huấn

Các học viên được phổ biến các nội dung về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác văn hóa dân tộc. Thực trạng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay; phương pháp bảo tồn trang phục dân tộc phục vụ phát triển du lịch; định hướng các mô hình bảo tồn và phát huy trang phục các dân tộc thiểu số thành sản phẩm gắn với phát triển du lịch.

Qua đó, giúp học viên nâng cao nhận thức về ý nghĩa và giá trị của bộ trang phục truyền thống, để đồng bào thấy được việc giữ gìn trang phục truyền thống chính là giữ gìn bản sắc, dấu ấn văn hóa và là niềm tự hào dân tộc. Từ đó, khích lệ, động viên đồng bào các dân tộc tích cực tham gia khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống, chủ động trao truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Ngoài việc tăng cường, chú trọng mở các lớp dạy nghề truyền thống về thổ cẩm, may thêu trang phục, Sở VHTTDL Cao Bằng định kỳ tổ chức liên hoan, tham gia các ngày hội, hội diễn văn hóa các dân tộc thiểu số, tổ chức các lễ hội đầu xuân, thi trình diễn trang phục dân tộc. Cùng với đó, thường xuyên quan tâm xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận, tôn vinh nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân những người có nhiều cống hiến cho việc bảo tồn di sản văn hoá. Thông qua đội ngũ nghệ nhân góp phần “truyền lửa” cho thế hệ mai sau về phương pháp, kỹ năng bảo tồn, gìn giữ và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn Cao Bằng.

VY OANH

Ý kiến bạn đọc