Tự hào với “Giai điệu Tổ quốc”
VHO - Tối 27.8, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt Giai điệu Tổ quốc. Chương trình do Bộ VHTTDL tổ chức hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2.9.1945 – 2.9.2023), chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945 – 28.8.2023).
Chương trình nghệ thuật đặc biệt là lời ca dâng Đảng, dâng Bác, kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2.9 và Ngày truyền thống ngành Văn hoá
Dự chương trình có Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Phó Bí Thư thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Lại Xuân Lâm; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Tuấn Hùng; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr; Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết; Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Đạt; các Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Đoàn Văn Việt, Hoàng Đạo Cương cùng đại diện các Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng các đại biểu dự chương trình
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, chương trình nghệ thuật Giai điệu Tổ quốc cùng với các hoạt động Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc và Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hoá toàn quốc nằm trong chuỗi sự kiện cấp quốc gia kỷ niệm 78 năm Ngày Truyền thống Ngành Văn hóa (28.8.1945 – 28.8.2023) và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc Khánh Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 – 2.9.2023); nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu chúc mừng các nghệ sĩ trong đêm diễn
“Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chung tay đồng hành của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân đối với sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nêu rõ.
Cũng theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, chương trình Giai điệu Tổ quốc gồm 3 chương: Chương I - Bình minh đất Việt; Chương II - Đất nước; Chương III - Sắc màu hội tụ và tỏa sáng. Xuyên suốt là những hình ảnh, giai điệu, vũ khúc tuyệt vời ca ngợi thiên nhiên, quê hương, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; đặc biệt ca ngợi truyền thống dựng nước và giữ nước ngàn đời của dân tộc ta. Từ đó, khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc. Các tiết mục được các nghệ sĩ thể hiện góp phần nêu bật vai trò lãnh đạo của Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu đối với dân tộc nói chung và văn hóa nói riêng.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại chương trình
Các tiết mục trong chương trình được dàn dựng công phu với sự kết hợp của công nghệ âm thanh và ánh sáng hiện đại; được thể hiện qua các giọng ca nổi tiếng như NSND Quang Thọ, Thái Bảo...; các NSƯT Việt Hoàn, Đăng Dương, Phương Thảo, Trường Bắc, Hoàng Tùng, cùng các ca sĩ Vũ Thắng Lợi, Lê Anh Dũng, Mỹ Dung, Tố Loan, Lê Minh Ngọc, Phương Thanh, Tiến Hưng, Vương Long, Kiều Minh, Hồng Duyên, Thu Thủy, Vân Anh, Ngọc Hà, nhóm Thăng Long, nhóm Phương Bắc...
Trong mọi chặng đường lịch sử của dân tộc, văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, giá trị bền vững giúp cả dân tộc vững vàng trước phong ba bão táp, chiến đấu và chiến thắng mọi địch họa, thiên tai; làm cho đất nước trường tồn; bản sắc dân tộc được giữ vững và phát triển. Có thể thấy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, là định hướng, “kim chỉ nam” cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa nước ta.
Để khắc họa, làm nổi bật dòng chảy văn hóa, ngoài việc thể hiện bằng các ca khúc còn có những tiết mục múa đặc sắc. Các tiết mục múa Tre Việt, Tầm vông lấy ý tưởng từ hình tượng cây tre trong truyền thuyết Thánh Gióng. Các vũ điệu múa được định hình từ những búp măng non, rồi vươn mình lớn lên thành cây, thành khóm; trở thành vũ khí chiến đấu chống giặc ngoại xâm trong tay người Việt. Giặc tan, tre lại kết nên thành luỹ bảo vệ xóm làng, toả màu xanh yên bình trong đời sống làng quê Việt. Đạo cụ tre được biến chuyển với nhiều hình tượng nghệ thuật gắn liền với đời sống người dân Việt Nam, từ đánh giặc giữ nước đến những sinh hoạt đời thường…
Với vai trò vừa là đạo diễn, vừa là ca sĩ biểu diễn trong chương trình, NSƯT Trường Bắc nhấn mạnh, khi được tham gia chương trình Giai điệu Tổ quốc, đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho ngày kỷ niệm của ngành, bất kỳ nghệ sĩ nào cũng cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào. Vì thế, trong chương trình này, các nghệ sĩ, khối sáng tạo đã tạo ra một kịch bản ca ngợi rõ nét về ngành Văn hóa của chúng ta. Văn hóa ở đây không phải chỉ trong giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ mà văn hóa bắt đầu từ thời Văn Lang - Âu Lạc cho tới ngày hôm nay.
“Trong chương trình này, tôi cùng các nghệ sĩ nhóm Phương Bắc đã thể hiện ca khúc Giai điệu Tổ quốc. Với tôi, đây là ca khúc rất linh thiêng. Bởi để viết nên hai chữ “Tổ quốc” vẹn tròn như ngày hôm nay, đất nước đã oằn mình trải qua bao thăng trầm, chứng kiến bao sự cống hiến và xương máu hy sinh. Chặng đường gian lao, hùng tráng và rất đỗi tự hào ấy đã kết thành Giai điệu Tổ quốc. Qua đây, tôi nhận thức được rằng, bản thân cần phải nỗ lực học tập, phát triển để công hiến, quảng bá ngành Văn hóa Việt Nam ra thế giới; góp phần vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước chúng ta ngày càng vững mạnh hơn", NSƯT Trường Bắc chia sẻ.
Chương trình Giai điệu Tổ quốc được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu những thành tựu đất nước, trong đó có thành tựu của ngành Văn hóa; tôn vinh những hình tượng văn hóa, nghệ thuật, những tấm gương tiêu biểu của ngành thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Đồng thời, phát huy vai trò của phong trào văn hóa, văn nghệ trong xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh; góp phần giáo dục và nâng cao ý thức bảo vệ nền văn hóa trong xu thế hội nhập với thế giới cho thế hệ trẻ.
Chia sẻ cảm xúc sau khi trình diễn ca khúc Hồn thiêng đất Việt, trong ca sĩ trẻ Tiến Hưng là sự tự hào. Là một trong những giọng ca trẻ được mời tham gia Giai điệu Tổ quốc, theo Tiến Hưng đó không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm. “Tham dự chương trình, mỗi nghệ sĩ và đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ đều ý thức rõ hơn về vai trò, vị trí của văn hoá. Những thế hệ cha anh đã dày công xây dựng, vun đắp, bảo vệ nền văn hoá Việt Nam với biết bao giá trị. Thông qua lời ca, tiếng hát và những ngôn ngữ nghệ thuật khác trong chương trình, tôi mong muốn thế hệ trẻ ngày nay dưới là cờ Đảng hãy tiếp bước cha anh để tiếp tục xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; cùng sánh vai với các cường quốc trên thế giới”, giọng ca Sao Mai chia sẻ.
Cũng theo nam ca sĩ, văn hóa vẫn luôn soi đường cho sự phát triển, tiến bộ của mỗi quốc gia, dân tộc. Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay sẽ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hãnh diện tiến về phía trước để bảo vệ, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử mà cha ông đã gây dựng. “Thế hệ của Tiến Hưng sinh ra và lớn lên trong thời bình luôn luôn biết ơn cha anh đã hy sinh xương máu mình để đem lại hoà bình cho đất nước. Tiến Hưng tin những chương trình như Giai điệu Tổ quốc đã khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, sự biết ơn sâu sắc với thế hệ đi trước; vun đắp niềm tin yêu vào những giá trị văn hoá truyền thống đã trở thành “tài sản tinh thần” vô giá của dân tộc”, ca sĩ Tiến Hưng bày tỏ.
Với Giai điệu Tổ quốc, bên cạnh việc được sống lại trong những phút giây hào hùng của dân tộc, ca sĩ Vũ Thắng Lợi cho rằng, khán giả đã được hiểu rõ hơn về những đóng góp của văn hóa trong đời sống và mọi lĩnh vực xã hội. Văn hóa với sức sống trường tồn đã tạo bản sắc riêng cho đất nước Việt Nam. Bên cạnh sự tự hào là một quốc gia có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hoá, mỗi người dân đất Việt đều mang trong mình trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá phù hợp với xu thế của thời đại.
Các tiết mục được dàn dựng công phu, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả
“Trong chương trình, ngôn ngữ nghệ thuật đã trở thành “cầu nối văn hóa”, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Mỗi tiết mục đều được dàn dựng theo ý đồ riêng biệt, kết hợp những hiệu ứng và kỹ thuật hiện đại trong biểu diễn để vẽ nên một bức tranh âm nhạc với nhiều mảng màu khác nhau, vừa gần gũi, thân quen, vừa mới mẻ, đương đại; tuy giản đơn, dung dị nhưng lại lớn lao, thiêng liêng. Điều này đã giúp chương trình lôi cuốn khán giả bằng mạch chảy cảm xúc tự nhiên, để thấy được một cách đơn giản nhất Giai điệu Tổ quốc chính là những thanh âm của tình yêu quê hương, dân tộc. Cũng từ những thanh âm đó, lớp trẻ ngày nay đã có chuyến hành trình tìm về nguồn cội; nhận thức rõ để bảo vệ được nền văn hoá đậm đà bản sắc, dân tộc đã phải trải qua bao cuộc chiến, thăng trầm của lịch sử”, ca sĩ Vũ Thắng Lợi cho biết.
Với Biển hát chiều nay, ca sĩ Vũ Thắng Lợi cùng Lê Minh Ngọc và dàn hợp xướng đã thể hiện niềm tin, khát vọng về một cuộc sống thanh bình, tươi sáng trên quê hương Việt Nam. Với niềm tin về một tương lai xán lạn, thế hệ trẻ ngày nay sẽ không ngừng tu dưỡng, vươn mình đón lấy “ánh sáng văn hoá”, tham gia công cuộc dựng xây vì một Việt Nam thịnh vượng.
NGỌC NHIÊN – ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN