Nghẹn ngào với phim tài liệu Ranh giới
VHO- "Không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy…", câu văn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Khải xuất hiện ở cuối phim tài liệu Ranh giới đã khiến người xem không khỏi day dứt, thấm thía và suy nghĩ. Bởi xuyên suốt bộ phim dài 50 phút, không hề có một lời bình nào mà thay vào đó là những hình ảnh, âm thanh được ghi nhận ở phòng điều trị đặc biệt đã ngồn ngộn cảm xúc và sự ám ảnh.
Hình ảnh các y, bác sĩ tranh thủ ngã lưng sau các ca cấp cứu
Tối 8.9, VTV1 đã lên sóng bộ phim tài liệu Ranh giới kể về những khoảnh khắc giành giật sự sống cho các thai phụ ở Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM). Có lẽ, đây là lần đầu tiên người xem được chứng kiến cận cảnh những thước phim về công tác điều trị cho người mắc Covid-19, đặc biệt hơn khi những bệnh nhân đó là thai phụ - người mang trong mình 2 mạng sống. Một đạo diễn nổi tiếng về mảng phim tài liệu của VTV sau khi duyệt phát sóng Ranh giới đã nói rằng: Nếu ai chưa biết sợ Covid-19, hãy xem bộ phim này!
Thật vậy, Ranh giới đã lột tả bức tranh trần trụi nhất ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Đó là nơi những bác sĩ phải tiếp thêm nghị lực sống cho những bệnh nhân đang đến gần với cửa tử, là những ca cấp cứu diễn ra liên tục và nhanh nhất có thể, là nụ cười hạnh phúc khi người bệnh chiến thắng “thần chết”, là nước mắt và nỗi buồn trĩu nặng khi phải bất lực buông tay của các y bác sĩ, là sự giằng xé tâm can vì những cuộc điện thoại thông báo cho người thân của bệnh nhân…
Đoạn phim lấy đi nước mắt của nhiều người xem nhất
Vậy mà vẫn còn có những khoảnh khắc còn ám ảnh hơn thế. Là sự nghiệt ngã khi bác sĩ phải thông báo để người nhà đưa ra quyết định bỏ thai để cứu người mẹ. Những thước phim đẩy người xem đến tận cùng của cảm xúc, khi một sản phụ không thể bấm và nhớ nổi số điện thoại của người thân mình. Trước khi đặt nội khí quản được bác sĩ đưa điện thoại để nói chuyện với chồng mình, chị chỉ biết nói: “Em sợ lắm!… Em run lắm anh ơi!… Cho em được gặp con!…”, chỉ vài câu ấp úng nhưng đã khiến người xem không cầm nổi nước mắt. Cuộc điện thoại cũng không thể trọn vẹn bởi tình trạng của chị xấu đi rất nhanh và bác sĩ không thể chờ thêm giây nào để tiến hành đặt nội khí quản. Hay hình ảnh run rẩy của người cha khi vào viện để nhận đồ của người con đã mất. Ông chỉ có thể nhìn hình ảnh cuối cùng của con qua điện thoại được các bác sĩ ghi lại trước đó giúp gia đình. Ông nói chuyện với nhân viên bệnh viện mà tay chân không thể kiểm soát, cứ như người… mất trí, vì nỗi đau đớn đến quá đột ngột khi mà "người đầu bạc tiễn kẻ đàu xanh". Cảm giác sợ hãi chưa bao giờ thật đến thế, tưởng như sờ nắm được sự khốc liệt ấy, để rồi chúng ta thấy mình thật may mắn khi vẫn còn ở đây để ngồi xem những thước phim này. Để rồi phải biết trân trọng sự sống hơn, chia sẻ hơn với những người đang chiến đấu vì Covid-19.
Hay cảnh "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh" khiến người xem không khỏi xót xa
May mắn thay, bộ phim không chỉ có những căng thẳng và nỗi đau tột cùng liên tiếp. Mà ở đó còn có rất nhiều khoảnh khắc yêu thương ngọt ngào và những niềm vui, sự hy vọng của bệnh nhân đang hồi phục, qua những lời ân cần chăm sóc của y bác sĩ và trên cả gương mặt những thiên thần vừa chào đời ở giữa nơi mà cái chết cận kề. Hình ảnh cặp song sinh chào đời trong hoàn cảnh đầy khắc nghiệt cũng chính là thông điệp của bộ phim. Giữa “trận chiến” đầy hủy diệt và hồi sinh ấy, các bác sĩ, các thai phụ và cả em bé đều là những anh hùng. Cuối phim, con số thống kê cũng khiến người xem nhẹ lòng hơn: Từ 30.5 đến 1.9 Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận 861 sản phụ bị F0, trong đó 804 ca mẹ tròn con vuông và 5 ca thiếu may mắn đã tử vong.
Những hy vọng được chớm nở khi hình ảnh cặp song sinh chào đời an toàn giữ tâm dịch
Ở Ranh giới, người xem sẽ thấy sự khốc liệt của dịch bệnh, sự sợ hãi của con người trước ranh giới sinh tử, sự yếu đuối của con người trước bệnh tật, nhưng không vì thế mà họ bỏ cuộc, khi có cả ánh sáng của tình yêu, sự lạc quan, sự mạnh mẽ và những nụ cười khi những em bé chào đời. Những hình ảnh gây ám ảnh này có thể khiến chúng ta ý thức hơn về sự nguy hiểm của dịch bệnh, sự cần thiết của việc bảo vệ an toàn cho chính mình và cộng đồng, hơn thế nữa là biết trân trọng vào cuộc sống, vào hơi thở của mình ngay từ hôm nay.
THÚY HỒNG