Khi sân chơi trong nước không “đủ lực”

VHO- Chúng ta đang chứng kiến rất nhiều thí sinh người Việt tham gia các chương trình truyền hình thực tế nước ngoài với tư cách là “thực tập sinh thần tượng”. Bên cạnh sự tự hào bởi Việt Nam có nhiều người trẻ tài năng, thì ở góc độ khác, việc họ phải lặn lội vượt biên giới để tìm kiếm cơ hội nổi tiếng cũng khiến giới nghề và khán giả trong nước trăn trở, lo lắng...

Khi sân chơi trong nước không “đủ lực” - Anh 1

Đặng Hồng Hải (trái) và Nguyễn Thành Công (phải) là hai thực tập sinh trẻ người Việt đang tham gia show tuyển chọn thần tượng của Hàn Quốc

 Phải chăng, những sân chơi nội địa không đủ chất lượng để ươm mầm tài năng trẻ?

Giấc mơ nơi xứ người

“Thực tập sinh thần tượng” thành danh nhất hiện nay phải kể đến Ngô Ngọc Hưng (sinh năm 1998, nghệ danh Hanbin). Chàng trai trẻ quê Yên Bái trước khi sang Hàn Quốc thực tập được biết đến với vai trò trưởng nhóm nhảy C.A.C Crew. Năm 2020, Ngọc Hưng lần đầu tiên ra mắt khán giả thế giới khi tham gia chương trình truyền hình “sống còn” nổi tiếng I-Land. Mặc dù không giành được suất ra mắt sau cuộc thi, Ngọc Hưng vẫn được rất nhiều người yêu mến. Thực tập sinh Việt Nam được khen ngợi bởi kỹ năng vũ đạo và vẻ ngoài “bắt mắt” của mình. Sau đó không lâu, Ngọc Hưng gia nhập Công ty giải trí Yuehua Entertainment với tư cách là thành viên Tempest, hoạt động chủ yếu tại Hàn Quốc. Thông tin trên đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ Việt Nam và quốc tế.

Ngọc Hưng không phải trường hợp duy nhất đi tìm giấc mơ nổi tiếng nơi xứ người. Hiện tại, chương trình thần tượng âm nhạc Boys Planet của Đài Mnet (Hàn Quốc) cũng đang xuất hiện hai thực tập sinh người Việt Nam là Đặng Hồng Hải và Nguyễn Thành Công. Đặng Hồng Hải hiện thực tập tại Công ty Fantagio của Hàn Quốc; còn Nguyễn Thành Công thì tham dự với tư cách là thực tập sinh tự do. Đáng chú ý, ngay từ vòng đánh giá ở tập đầu tiên, cả 2 đều được nhận định là có chất giọng tốt cùng khả năng vũ đạo ổn. Đến tập 3, chương trình công bố top thí sinh có lượt xem, tương tác fancam bài hát chủ đề Here I Am cao nhất, Đặng Hồng Hải được đứng nhất G-Group (nhóm thực tập sinh quốc tế). Khi được xướng tên cho vị trí này, Đặng Hồng Hải không giấu được sự bất ngờ. Nguyễn Thành Công cũng xếp thứ 5 trong top thí sinh có lượt xem, tương tác fancam bài hát chủ đề. Đây là lần đầu tiên thực tập sinh Việt Nam cho thấy ưu thế tại chương trình Boys planet, khiến nhiều đối thủ khác phải dè chừng.

Sân chơi trong nước thiếu và yếu

Được trở thành thần tượng, đứng trên sân khấu lớn và thể hiện nhiều bản hit, vũ đạo đẹp mắt là ước mơ chung của nhiều bạn trẻ yêu âm nhạc. Nhiều năm trước, những công ty giải trí, chương trình truyền hình thực tế tại Hàn Quốc thường ưu tiên thí sinh đến từ các nước như Nhật Bản, Canada, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan... vì lượng khán giả hâm mộ K-pop hùng hậu. Đây cũng là những quốc gia góp mặt vào “công thức vàng”, giúp một nhóm nhạc sớm trở nên nổi tiếng. Nhưng những năm trở lại đây, tình hình thay đổi khi các quốc gia này dần siết chặt quy định về quản lý, tạo ra không ít trở ngại cho sự lan tỏa ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc. Vì lẽ đó, những tài năng đến từ Việt Nam dần được săn đón.

Tự hào vì Việt Nam có nhiều bạn trẻ tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật, sẵn sàng lăn xả tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài, nhưng cũng chính việc này lại đang khiến khán giả trong nước trăn trở về việc, các sân chơi nội không đủ tầm để làm bệ phóng tài năng trẻ? Dù ra mắt với tư cách là nghệ sĩ solo hay hoạt động trong nhóm nhạc, các bạn vẫn hoạt động dưới trướng của công ty giải trí Hàn Quốc chứ không phải nghệ sĩ bước ra từ cuộc thi trong nước. Lo lắng của khán giả là dễ hiểu, vì thực tế, các chương trình truyền hình đào tạo tài năng âm nhạc tại Việt Nam gần như mở ra cho có. Thí sinh bước ra từ chương trình dù được đảm bảo sẽ có hoạt động trong lĩnh vực giải trí, nhưng sau đó lại gần như “đóng băng”.

Đơn cử là trường hợp của StillaD Tùng Dương, quán quân của The Debut - Dự án số 1, show thực tế “sống còn” đầu tiên của V-pop. Trở thành quán quân từ 2018 đến nay, hoạt động của nam ca sĩ không có gì nổi trội, tên tuổi của chàng trai sinh năm 1998 không xuất hiện trên bản đồ giải trí Việt Nam. Tương tự với Vote for five, chương trình truyền hình nhằm tạo ra nhóm nhạc thế hệ mới cho V-pop, khi chương trình kết thúc vào tháng 10.2022, một nhóm nhạc nam “mới toanh” được ra mắt khán giả. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ vì lý do gì sau gần nửa năm, nhóm “im hơi, lặng tiếng”, chưa được ông bầu cho ra mắt sản phẩm. Tất cả những gì khán giả được nhìn thấy là hoạt động đơn lẻ của các thành viên trên... TikTok và một số nền tảng mạng xã hội khác.

Ngoài khó đặt niềm tin vào các chương trình đào tạo thần tượng trong nước, nhiều thực tập sinh Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề không tìm được quản lý có tầm chiến lược. Bên cạnh thực lực của chính thực tập sinh, hậu thuẫn sau đó phải là một công ty giải trí có đủ thực lực để làm bệ phóng tài năng. Tuy nhiên, hiện nay, đa phần các công ty giải trí ở Việt Nam không có chiến lược quảng bá hình ảnh nghệ sĩ bài bản. Một công ty giải trí thực thụ như mô hình Hàn Quốc ở ta vẫn là điều xa lạ. Lường trước nguy cơ khó ra mắt trong nước, để không phí phạm những năm tháng rèn luyện giọng hát, vũ đạo, một điều tất yếu là các thực tập sinh trẻ Việt Nam chấp nhận xuất ngoại để dễ bề ra mắt hơn dù vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các thực tập sinh khác. 

ĐÌNH TOÁN

 

Ý kiến bạn đọc