Game show Việt: Chất lượng không đồng hành với số lượng

VHO- Cùng với các format chương trình của mình, Việt Nam còn là một trong những nước “nhập khẩu” game show quốc tế nhiều nhất với hơn 150 game show lớn, nhỏ. Các game show đã mang lại nguồn thu lợi nhuận khổng lồ cho nhà sản xuất và nhà đài. Vì vậy, game show được trình làng ngày càng nhiều hơn. Thế nhưng, chất lượng vẫn là điều cần phải nhắc đến.

Game show Việt: Chất lượng không đồng hành với số lượng - Anh 1

 Hình ảnh lố lăng trong “Ngôi sao tình yêu” khiến khán giả bức xúc

Số lượng tăng, chất lượng giảm

Có thế thấy, các chương trình truyền hình thực tế gần đây thường xuyên đi cùng scandal. Chương trình mới thì cần scandal để gây sự chú ý, chương trình cũ thì cần “làm nóng”, mà không gì nhanh bằng… tai tiếng. Và tai tiếng cũng có rất nhiều loại: Từ sắp đặt kịch bản, tạo thân thế cho nhân vật giả, khoe thân, phản cảm lố lăng… Có thể nhắc đến một trong những game show hẹn hò “hot” nhất Việt Nam Ngôi sao tình yêu, phát sóng trên HTV7, liên tục bị khán giả “la ó” vì việc để cho một số nhân vật nữ ăn mặc quá hở hang khi lên sóng truyền hình. Hoặc Come out - Bước ra ánh sáng là một chương trình thực tế dạng talkshow dành cho cộng đồng GLBT, bị khán giả cho rằng khai thác quá sâu về chuyện phòng the tế nhị của các cặp đôi chuyển giới.

Số lượng chương trình ngày càng nhiều mà người có trình độ chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm thì ít. Thế là nhà sản xuất không ngần ngại trong việc chọn một nghệ sĩ trẻ đang nổi đình đám, để ngồi vào chiếc ghế giám khảo. “Một công đôi việc” vừa có giám khảo, lại vừa hút được khán giả, mặc cho những gương mặt trẻ ấy có đủ khả năng hay không. Nếu như trước kia, người được ngồi vào ghế nóng là một vinh dự bởi kinh nghiệm, uy tín trong nghề dày dặn, xứng đáng làm thầy thí sinh như Siu Black, Đức Huy, Thanh Lam, Mỹ Linh, Mỹ Tâm thì nay, ghế nóng đã dành chỗ cho những gương mặt còn rất non nghề, khiến khán giả không phục…

Hay việc lạm dụng người nổi tiếng để làm khách mời, từ chương trình này đến chương trình khác khiến khán giả cảm thấy không có gì mới lạ nữa trước những mảng miếng quá quen thuộc. Thậm chí là phanh phui chuyện đời tư, những góc khuất trong cuộc đời người nghệ sĩ để “câu view”, mua vui cho người xem... cũng được các chương trình tận dụng triệt để. Điển hình là vụ lùm xùm giữa hai nghệ sĩ Lê Giang và Duy Phương, sau khi những chia sẻ của Lê Giang về chồng cũ được công khai trong chương trình Sau ánh hào quang. Theo Duy Phương cho biết, Lê Giang đã nói nhiều chuyện không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của anh.

Và yếu tố hài nhảm cũng làm game show Việt đi quá xa. Diễn viên chuyên nghiệp và cả những người không chuyên nghiệp diễn hài ngày càng đông, song có một thực tế là các chương trình hài đang trở nên nhạt nhẽo, nhàm chán hoặc lạm dụng các yếu tố dung tục, thậm chí gây sốc để cố chọc cười khán giả, như các màn ôm hôn thô thiển, các màn giả gái hay giả đồng tính phản cảm, sử dụng ngôn từ thô tục... Tệ hơn, một số tác phẩm sân khấu kinh điển và các tích truyện trong kho tàng văn học dân gian… cũng bị đem ra “chế”, xuyên tạc một cách khó chấp nhận.

Lấy lại vị thế?

Song song với thực trạng lố lăng, xuống cấp của đa số game show Việt hiện nay thì một số chương trình vẫn mang đậm tính nhân văn, đậm tính trí tuệ, được đông đảo công chúng đón nhận. Nổi bật nhất là Siêu trí tuệ Việt Nam - game show dành cho những người có khả năng đặc biệt ở các lĩnh vực trí nhớ, toán học, rubik, quan sát... Phát sóng tập đầu tiên vào tháng 10.2019, trải qua 8 tập, Siêu trí tuệ Việt Nam khiến khán giả đi từ sự ngỡ ngàng đến dâng trào cảm xúc tự hào vì thấy người Việt quá giỏi. Qua đó tìm kiếm, phát hiện, khơi sáng được nhiều tài năng hơn. Đã có rất nhiều nhận xét tích cực bày tỏ sự yêu thích, có người còn cho rằng nên tăng cường những chương trình như Siêu trí tuệ Việt Nam vì đã truyền cảm hứng tích cực cho thế hệ trẻ Việt. Ngoài ra, chương trình còn thu hút bởi những gương mặt ngồi trên ghế giám khảo, đáp ứng đủ khả năng chuyên môn lẫn giải trí.

Chương trình Ký ức vui vẻ dù đã bước qua mùa 2 nhưng vẫn giữ được độ “hot” nhờ thông điệp được truyền tải khá nhẹ nhàng, hài hước. Điểm riêng nổi bật của Ký ức vui vẻ là nhắc lại những ký ức ở thập niên 1960, 1970, 1980, 1990 và 2000 khiến nhiều khán giả lớn tuổi cảm thấy... “cả một tuổi thơ ùa về”, còn khán giả trẻ hiểu thêm về quá khứ qua lời kể của những “nhân chứng, vật chứng” đẹp đẽ, nhân văn. Hài hước có, nhân văn có, mọi thứ gói gọn trong một từ “đủ”. Không cần phải khoe thân hay lố lăng, Ký ức vui vẻ vẫn có thể giữ chân người xem.

Có thể nói, game show là một tất yếu của nền giải trí. Nó đã giúp phong phú thị trường, tạo nên nhiều đổi mới, tìm kiếm ra nhiều nghệ sĩ tài năng cũng như đem lại nhiều niềm vui cho khán giả. Thế nhưng, thời gian gần đây nhiều game show đã làm mất đi gần hết sứ mệnh của mình, khi mà mặt trái mỗi lúc một nhiều, những tiêu cực và cũ mòn đang làm khán giả chán ngán. Chính vì thế, để gameshow có bước đột phá ngoạn mục, nâng cao được chất lượng thì các nhà sản xuất cần phải có sự điều chỉnh hợp lý về mặt nội dung lẫn hình thức. Tất cả các khâu trong quá trình thực hiện phải được lên kế hoạch, kiểm duyệt một cách bài bản, khắt khe, chuyên nghiệp, không phải phụ thuộc hoàn toàn vào các chiêu trò. 

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc