Xây dựng, phát triển văn hóa là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên

VHO- Đó là phát biểu chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại Hội nghị Văn hóa năm 2023 do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang tổ chức sáng 28.10.

Xây dựng, phát triển văn hóa là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên - Anh 1

 Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Biểu dương tỉnh Hà Giang trong thời gian vừa qua đạt được nhiều thành tựu trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa đồng thời đề nghị Hà Giang sau Hội nghị này cần tập trung nghiên cứu, ban hành Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững để thống nhất ý chí và hành động, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững tỉnh Hà Giang. Đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và 6 nhóm nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp lớn, sâu sắc và toàn diện nhằm chấn hưng, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Đồng thời, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam. Xác định rõ, xây dựng, phát triển văn hóa là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của các Cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Gắn kết chặt chẽ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh.

Cùng với đó, tập trung triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Đây là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất cơ bản mà Đảng ta nhấn mạnh tại Đại hội XIII; được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ và chỉ đạo rất sâu sắc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Trong thời gian tới, tỉnh cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, đưa các hệ giá trị thấm sâu vào đời sống của đồng bào, trở thành mục tiêu và động lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang thống nhất trong đa dạng. Phát huy vai trò của gia đình, trường học, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người phát triển toàn diện. Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, đoàn kết, dân chủ, văn minh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống.

Xây dựng, phát triển văn hóa là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên - Anh 2

 Các đại biểu trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Giang bên lề Hội nghị

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hà Giang tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa hiện đại, đồng bộ hóa hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, phù hợp với văn hóa của từng địa phương, từng dân tộc; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của 19 dân tộc anh em, gắn với triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát huy mạnh mẽ vai trò của chủ thể văn hóa trong xây dựng, tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa cơ sở, đảm bảo công bằng, hài hòa, thúc đẩy đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc. Tăng nguồn lực đầu tư bền vững từ ngân sách của tỉnh; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đúng hướng nhằm huy động các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Giang. Tập trung bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử trở thành những “địa chỉ đỏ” giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng của quê hương cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Khai thác có hiệu quả giá trị di sản văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung xử lý hài hòa mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn với phát huy, khai thác kho tàng di sản để truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Một trong những nhiệm vụ được Trưởng ban Tuyên giáo TƯ nhấn mạnh là Hà Giang phải tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa trong môi trường hội nhập quốc tế. Chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh, nhất là đội ngũ kế cận. “Trước mắt, cần tiếp tục đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh và các Hội Nghệ nhân dân gian; gắn với xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách có tính đột phá để phát triển văn học, nghệ thuật, nhất là văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, tỉnh đang sở hữu Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và Di sản thực hành Then của dân tộc Tày, Nùng Hà Giang là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Do đó, tỉnh cần tăng cường kết nối vùng, liên vùng và với các quốc gia, tổ chức quốc tế để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc; đồng thời tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Hà Giang. Đẩy mạnh quảng bá về con người, đất nước Hà Giang, đặc biệt là những di sản văn hóa độc đáo chỉ riêng Hà Giang mới có. “Nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, không nóng vội, chủ quan, và quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần yêu nước, bản lĩnh, trí tuệ của con người Hà Giang”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh. 

Hà Giang đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3

Xây dựng, phát triển văn hóa là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên - Anh 3

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương trao Bằng tái công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 cho Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn và Chủ tịch UBND bốn huyện vùng Cao nguyên đá

Tối cùng ngày, tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 và khai mạc Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ 9 năm 2023. Dự Lễ đón nhận có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; ông Guy Martini, Tổng Thư ký mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO…

Việc tổ chức Đón nhận Bằng công nhận tái thẩm định tư cách thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 và Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ IX năm 2023 nhằm tôn vinh giá trị di sản đặc sắc, những hình ảnh đẹp về con người, lan tỏa vẻ đẹp của loài hoa đặc trưng vùng Cao nguyên đá; bảo tồn văn hóa truyền thống, phát huy hiệu quả giá trị di sản danh thắng cũng như sản phẩm du lịch của tỉnh Hà Giang.

Trao Bằng chứng nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 cho lãnh đạo tỉnh Hà Giang và bốn huyện vùng Cao nguyên đá, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã nỗ lực vượt qua ba kỳ tái đánh giá. Đồng thời mong muốn tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa đến sự phát triển kinh tế, du lịch dựa trên sự đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc; tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên để tập trung phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Hà Giang. Có cơ chế, chính sách kêu gọi thu hút đầu tư hợp lý, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, cảnh quan. Nâng cao năng lực quản lý chủ động, hiệu quả, sáng tạo để tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Tiếp tục đổi mới và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư gắn với đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết nguồn nhân lực tại chỗ để giảm nghèo bền vững.

THU LÊ

Ý kiến bạn đọc