Văn học thiếu nhi: Vì sao không mấy tác giả mặn mà?
VHO- Những năm qua, trong đời sống văn học Việt Nam, hiếm hoi lắm độc giả mới thấy có một kỳ cuộc ra mắt sách dành cho lứa tuổi “măng non”. Nhìn vào thực tế đó thì công chúng yêu văn chương tránh sao khỏi băn khoăn: Phải chăng mảng văn học thiếu nhi ở ta vẫn còn đang bỏ ngỏ?
Nhà văn Trần Đức Tiến luôn dành cho thiếu nhi những dòng viết trong trẻo nhất
Văn Hóa đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Trần Đức Tiến, Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) về vấn đề này.
P.V: Thưa nhà văn, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của mảng văn học dành cho thiếu nhi trong bức tranh chung văn học Việt Nam những năm gần đây?
- Nhà văn Trần Đức Tiến: Theo tôi, văn học Việt Nam nói chung trong nhiều năm qua chưa có tác phẩm thật xuất sắc - những “tác phẩm đỉnh cao”, như mọi người thường nói và kỳ vọng. Văn học thiếu nhi cũng không nằm ngoài hiện trạng đó. Số lượng tác phẩm ra đời nhiều, đội ngũ tác giả cũng khá đông, nhưng đâu là cái tên gây ấn tượng sâu sắc với bạn đọc thì có lẽ… không dễ kể.
Nhưng tôi không phải là người bi quan. Văn học, cũng như mọi lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, luôn có những bước đi riêng, trải qua những thăng trầm mà nhiều khi dù muốn, chúng ta cũng khó tác động để thay đổi trong một sớm một chiều. Hãy cứ kiên nhẫn làm những gì có thể làm, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho sự thay đổi đó. Theo tôi được biết, Hội Nhà văn VN cũng như một số cơ quan, tổ chức xã hội và nhiều nhà văn tâm huyết với văn học thiếu nhi đang rất quan tâm và bắt đầu có những động thái cần thiết với hy vọng thúc đẩy mảng văn học này phát triển.
Nhiều người cho rằng văn học thiếu nhi vẫn là “mảnh đất hoang” đang chờ khai phá vì có quá ít những cuộc thi, những giải thưởng cho thể loại này, nhà văn nghĩ sao về ý kiến đó?
- Cuộc thi hay giải thưởng là cần. Thi và giải giống như những liều thuốc kích thích, đôi khi nhờ nó mà chúng ta bất ngờ thu hoạch được vụ mùa đáng kể. Nhưng nói văn học thiếu nhi là “mảnh đất hoang” vì có quá ít cuộc thi, giải thưởng thì chưa thật xác đáng lắm. Tôi nghĩ đến một nguyên nhân sâu xa hơn: Vai trò, vị trí của văn học thiếu nhi trong nền văn học nói chung, và sự quan tâm, đối xử với nó của cả xã hội. Vì sao chúng ta có quá ít những nhà văn dành cả sự nghiệp cho các em? Vì sao nhiều nhà văn vẫn coi sáng tác cho các em là công việc tay trái? Vì sao có những cây bút trẻ viết cho thiếu nhi xuất hiện (thường là qua các cuộc thi và giải thưởng) một cách đầy hứa hẹn, nhưng lại nhanh chóng biết mất? Và tất cả chúng ta, đều nói sẽ dành những gì tốt đẹp nhất cho thế hệ tương lai, nhưng cụ thể là những gì trong việc tổ chức, khuyến khích tạo ra sản phẩm tinh thần chất lượng cao cho thế hệ đó, trong đó có thứ sản phẩm cực kỳ quan trọng là văn học? Trả lời được những câu hỏi này mới là điều đáng phải bàn.
Cuộc họp lần thứ 3 của Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa X vào tháng 4 vừa qua đã quyết định trao Giải thưởng Văn học thiếu nhi hằng năm, vậy việc triển khai đã thực hiện được đến đâu và phương hướng phát triển văn học thiếu nhi trong thời gian tới của Hội Nhà văn Việt Nam ra sao, thưa ông?
- Đáng tiếc là chúng ta đang phải trải qua thời kỳ dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên phạm vi cả nước. Nhiều hoạt động phải ngưng trệ; nhiều kế hoạch, dự định chưa thể thực hiện. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho việc xét tặng Giải thưởng Văn học thiếu nhi năm 2021, các thành viên Hội đồng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn vẫn chủ động tiến hành việc đọc và lựa chọn tác phẩm. Chúng tôi làm việc này dựa trên quan sát của mình về tình hình xuất bản sách văn học thiếu nhi ở một số nhà xuất bản. Nhân đây, cũng mong nhận được đề xuất của các nhà xuất bản, các cơ quan, tổ chức văn nghệ và bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này, để hạn chế tối đa tình trạng bỏ sót những tác phẩm xứng đáng. Ngoài giải thưởng, theo tôi biết trong những năm tới, Hội Nhà văn còn có kế hoạch tổ chức những cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, hội thảo về văn học thiếu nhi, thành lập Quỹ Văn học thiếu nhi để có điều kiện động viên, khuyến khích những nhà văn viết cho các em và phổ biến rộng rãi những tác phẩm có chất lượng…
Theo nhà văn, đội ngũ những người sáng tác trẻ thuộc mảng văn học dành cho thiếu nhi đang thiếu điều gì?
- Ở lĩnh vực nào thì nhưng người trẻ cũng luôn luôn cần có thêm sự từng trải, kinh nghiệm và kỹ năng làm việc. Tôi thuộc thế hệ đi trước, khi nghe câu hỏi này buộc lòng phải ngậm ngùi thú nhận: Khi cùng tuổi với các bạn trẻ bây giờ, chúng tôi thua kém các bạn rất nhiều. Kiến thức về mọi mặt, điều kiện làm việc, sinh hoạt… và cả sự tự tin nữa, đều thua xa. Những cái “cần có thêm” tôi nói bên trên, sẽ đến lúc các bạn có đủ. Chính vì thế, cá nhân tôi luôn hy vọng các bạn trẻ sẽ tiến xa hơn chúng tôi, và những người viết trẻ cho thiếu nhi hôm nay chắc chắn sẽ có những tác phẩm xứng đáng với sự mong đợi của bạn đọc.
Xin cảm ơn nhà văn Trần Đức Tiến!
Nhà văn Trần Đức Tiến là người dành rất nhiều tâm huyết viết cho trẻ em. Ông đã nhiều năm làm Trưởng BGK trong các cuộc Vận động sáng tác của Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch, do NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch phối hợp thực hiện. Một số tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của ông đã xuất bản: Ốc mượn hồn (1992), Vương quốc vắng nụ cười (1993), Dế mùa thu (1997), Thằng Cúp (2001), Làm mèo (2003, 2015), Trăng vùi trong cỏ (2006), Những truyện hay viết cho thiếu nhi (2013), Trên đôi cánh chuồn chuồn (2015), Xóm bờ giậu (2018). |
VŨ MỪNG (thực hiện)