Tuyên Quang: Phát huy nhân tố con người, vai trò của văn hoá trong quá trình phát triển

VHO-Sáng 8.10, Đoàn giám sát tổng hợp các lĩnh vực của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc trực tuyến với UBND tỉnh Tuyên Quang. Uỷ viên TW Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã chủ trì buổi làm việc. Về phía Tuyên Quang là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương…

Giàu tiềm năng về các lĩnh vực VHTTDL

Báo cáo đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hoá, thể thao và du lịch, thông tin – truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, thanh niên và trẻ em, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, tuy là một tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Tuyên Quang đã có những nỗ lực, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc để từng bước phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, gìn giữ, phát huy truyền thống cách mạng, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác giáo dục được quan tâm đầu tư, tỉ lệ huy động trẻ đến trường trên địa bàn tỉnh cao hơn tỉ lệ bình quân của khu vực trung du miền núi phía Bắc và của cả nước. Các giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống các dân tộc được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch bền vững…

Tuyên Quang: Phát huy nhân tố con người, vai trò của văn hoá trong quá trình phát triển - Anh 1

Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc trực tuyến sáng 8.10

Cụ thể, về Văn hoá, tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về xây dựng, phát triển văn hoá, con người văn hoá; quan tâm công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá, tạo nên sự thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc; chú trọng công tác tuyên truyền, thực hiện đúng qui định việc tổ chức quản lý, phát huy giá trị các lễ hội; quan tâm, phát triển phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, nghệ thuật quần chúng, thông tin tuyên truyền; tích cực khai thác các nguồn phim, phổ biến phim tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện, bổ sung sách, báo hàng năm, khai thác sách, báo tài liệu phục vụ bạn đọc. Thực hiện chương trình xe thư viện lưu động đến các điểm trường, thu hút hàng chục ngàn lượt học sinh tham gia, duy trì tổ chức Ngày hội đọc sách, Cuộc thi “Đại sứ văn hoá đọc”…

Về Thể thao, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng. Thể thao thành tích cao giành được nhiều kết quả quan trọng, tỉ lệ huy chương đạt được tại các giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế tăng cao. Tỉnh cũng đã duy trì hoạt động của các lớp năng khiếu và các đội tuyển trẻ, đội tuyển của tỉnh; quan tâm, triển khai đầu tư, xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ phát triển phong trào TDTT.

Tuyên Quang: Phát huy nhân tố con người, vai trò của văn hoá trong quá trình phát triển - Anh 2

Toàn cảnh phiên làm việc

Về Du lịch, tỉnh cũng đã nhận thức rõ tiềm năng, ban hành nhiều văn bản quan trọng triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh cũng đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các qui hoạch, kế hoạch, dự án phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; quan tâm, hỗ trợ phát triển du lịch cộng động tại một số huyện để thu hút khách du lịch, đầu tư hạ tầng, giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch; phát triển đa dạng các loại hình du lịch nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương như du lịch lịch sử, văn hoá, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, dã ngoại, cộng đồng…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đoàn giám sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cũng cho rằng Tuyên Quang còn những tồn tại, hạn chế trong việc phát triển VHTTDL như việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá cơ sở chưa đi vào chiều sâu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhất là di sản văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao các cấp chưa đồng bộ, ở nhiều nơi chưa được đầu tư xây dựng, chưa đảm bảo diện tích, trang thiết bị, số lượng sách trong thư viện công cộng bình quân trên đầu người mới chỉ đạt 1/4 đến 1/5 chỉ tiêu để ra trong Chiến lược phát triển Văn hoá đến năm 2020. Về lĩnh vực Du lịch, các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường và chưa tương xứng với tiềm năng…

Biến tiềm năng thành thế mạnh  

Phát biểu tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến đều cho rằng Tuyên Quang là địa phương giàu tiềm năng để phát triển về các lĩnh vực VHTTDL. Tuyên Quang là vùng đất lịch sử kháng chiến, “thủ đô” chiến khu xưa, là an toàn khu nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi. Tỉnh Tuyên Quang giàu truyền thống cách mạng, có hệ thống di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh khá lớn, đa dạng, có giá trị đồng thời là nơi khởi phát, hội tụ, giao thoa của văn hoá các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc với nhiều phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc. Đây là tiềm năng lớn để Tuyên Quang phát triển văn hoá, du lịch. Tuyên Quang cũng là tỉnh có điều kiện địa lý khá thuận lợi cho việc đi lại, giao thương với khu vực và cả nước… Tuy nhiên để biến tiềm năng thành thế mạnh, Tuyên Quang cần quan tâm hơn nữa đến các lĩnh vực VHTTDL.

Tuyên Quang: Phát huy nhân tố con người, vai trò của văn hoá trong quá trình phát triển - Anh 3

Ông Bùi Hoài Sơn – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục phát biểu tại buổi làm việc

Theo ông Bùi Hoài Sơn – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Tuyên Quang cần sớm triển khai xây dựng Trung tâm Văn hoá tỉnh, sân vận động tỉnh để đảm bảo các thiết chế văn hoá – thể thao đảm bảo nhu cầu hưởng thụ, tập luyện của người dân. Tỉnh cũng cần hoàn thiện Đề án trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, tăng cường thiết chế về văn hoá thể thao như nhà văn hoá, sân vận động tại các xã, thôn. Ông Sơn cũng gợi ý Tuyên Quang nên triển khai cụ thể hơn Chiến lược các ngành công nghiệp văn hoá của tỉnh trong đó tập trung vào lĩnh vực tỉnh có lợi thế là văn hoá và du lịch…

Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng cũng khẳng định Tuyên Quang có tiềm năng phát triển về các lĩnh vực VHTTDL do có bề dầy truyền thống về văn hoá, lịch sử, giá trị di sản của 22 dân tộc anh em. Tuy nhiên do điều kiện về kinh tế - xã hội, khả năng đầu tư của tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá và xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, theo tinh thần của Nghị quyết 33. Từ đó ông Lượng đề nghị Tuyên Quang đã quan tâm cần quan tâm, đầu tư hơn nữa về việc phát triển Văn hoá hài hoà với sự phát triển về kinh tế - xã hội để làm sao hướng tới việc đáp ứng được tốt nhất nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân, giữ gìn phát huy giá trị di sản văn hoá đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lưu ý phát triển các thiết chế văn hoá cơ sở, đào tạo đội ngũ nhân lực của các lĩnh vực VHTTDL; xây dựng môi trường văn hoá trong gia đình, cộng đồng, khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp, tạo thành phong trào thiết thực gắn với người dân. Về Du lịch, Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng cũng lưu ý Tuyên Quang tăng cường tính chuyên nghiệp, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh, đem lại sự hài lòng cho du khách…

Tuyên Quang: Phát huy nhân tố con người, vai trò của văn hoá trong quá trình phát triển - Anh 4

Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng đề nghị Tuyên Quang xây dựng sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh

Về Thể thao, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Phạm Nam Tiến đánh giá, phong trào TDTT của tỉnh thời gian qua phát triển sâu rộng, thể thao thành tích cao đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên trong thời gian tới, tỉnh cần chú ý xác định được môn nào là thế mạnh, để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm… Về góp ý này, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang – bà Âu Thị Mai cho biết, tỉnh cũng đã xác định 3 nhóm môn trọng điểm để tập trung đầu tư trong giai đoạn tới. Trong đó nhóm 1 gồm các môn như Bóng bàn, Cầu lông, Điền kinh, Bóng đá trẻ. Nhóm 2 là Pencak Silat; nhóm 3 là Đua thuyền, Muya,  Kick boxing, Vovinam, Võ cổ truyền, Wushu, Vật… Bà Mai cũng cho biết, tỉnh đã có kế hoạch đưa việc đầu tư sân vận động, khu liên hợp thể thao tỉnh vào chương trình đầu tư công trung hạn…

Về đề xuất, kiến nghị, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đề nghị tỉnh Tuyên Quang tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chinh sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, có cơ chế đặc thù, tăng đầu tư phát triển văn hoá hài hoà với phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền. Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy nhân tố con người, vai trò của văn hoá trong quá trình phát triển; có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng xuống cấp về một số mặt văn hoá, đạo đức, lối sống…

Tuyên Quang: Phát huy nhân tố con người, vai trò của văn hoá trong quá trình phát triển - Anh 5

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết tỉnh cũng đã có nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực VHTTDL

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết, là địa phương còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân trung của cả nước, hạ tầng giao thông hạn chế, không có sân bay, cảng biển, cửa khẩu. Vì nguồn lực hạn chế như thế nên sự đầu tư cho các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực VHTTDL cũng có những khó khăn. Tuy nhiên tỉnh đã có nhiều nỗ lực và đặt mục tiêu trong 5 năm tới trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Mục tiêu đó cũng đã được cụ thể hoá thành chỉ tiêu trên các lĩnh vực.

Chủ tịch tỉnh Tuyên Quang cũng cho biết, do nhiều khó khăn nên tỉnh còn chưa có một số thiết chế văn hoá lớn như khu liên hơp thể thao trong đó có sân vận động hay Nhà văn hoá cấp tỉnh. Tỉnh cũng đưa việc đầu tư Khu liên hợp thể thao vào giai đoạn đầu tư công và bố trí nguồn lực để xây dựng nhà văn hoá thôn theo hình thức nhân dân làm nhà nước hỗ trợ…

Phát biểu kết luận phiên làm việc, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Tuyên Quang, dù eo hẹp về kinh phí, khó khăn về nguồn lực nhưng cũng đã ban hành nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm với các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, thanh niên, trẻ em. Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh mong muốn trong thời gian tới, Tuyên Quang nên phát huy nhân tố con người, vai trò của văn hoá trong quá trình phát triển; tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các lĩnh vực trong đó có việc phát triển Du lịch gắn kết với Văn hoá để phát huy được sức mạnh từ lợi thế, tiềm năng của tỉnh. 

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc