TP.HCM cần chú trọng phát triển thể thao quần chúng

VHO - Tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ VHTTDL với UBND TP.HCM nhằm đánh giá, triển khai và đóng góp xây dựng ngành VHTTDL tại TP.HCM, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đề nghị: “Về thể thao, TP.HCM cần chú ý nhiều hơn trong thể thao quần chúng, để qua đây phát hiện nhân tài cho thể thao thành tích cao”.

TP.HCM cần chú trọng phát triển thể thao quần chúng - Anh 1

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo đó, trong buổi làm việc sáng ngày 5.4, đại diện ngành VHTTDL của thành phố cũng như các Cục liên quan của Bộ VHTTDL đã cùng nhau chia sẻ những kết quả đạt được cũng như những vướng mắc, khó khăn và cần sự quan tâm, tham mưu kịp thời của Bộ VHTTDL về 3 lĩnh vực then chốt, đó là văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, lĩnh vực thể thao được lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các đơn vị, trường đại học trên địa bàn TP.HCM quan tâm.

Báo cáo với đoàn công tác Bộ về tình hình phát triển sự nghiệp thể thao TP.HCM, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận cho biết, với hệ thống đào tạo gần 50 môn thể thao và hơn 10 môn thể thao xã hội hóa, có thể nói TP.HCM là một trong những tỉnh thành có mô hình thể thao phong phú, đa dạng đáp ứng được nhu cầu tập luyện thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe của nhân dân thành phố cũng như đảm bảo được thành tích thể thao của thành phố tại các giải quốc gia.

TP.HCM cần chú trọng phát triển thể thao quần chúng - Anh 2

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ghi nhận những ý kiến của đại diện các đơn vị chuyên môn

Đặc biệt, Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND ngày 04 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân thành phố về một số chính sách đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên của TP.HCM từ khi được đưa vào triển khai thực hiện đã tạo ra một động lực rất lớn đối với lực lượng huấn luyện viên, vận động viên thành phố. Bên cạnh đó, các chuyên gia thể thao hiện đang huấn luyện các đội tuyển rất nhiệt tình, có phương pháp huấn luyện hiện đại tiệm cận được trình độ thế giới, hiểu được những khó khăn trong cơ chế chính sách thuê chuyên gia sẵn sàng tiếp tục được làm việc và cống hiến cho thể thao thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi thì thể thao thành phố cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù có hệ thống các môn thể thao phong phú và đa dạng, thể thao thành phố trong những năm qua vẫn chưa đạt được những thành tích ấn tượng tại đấu trường Châu Á và Olympic. Một trong những nguyên nhân cần phải kể đến là việc đầu tư dàn trải chưa có trọng tâm, trọng điểm. Cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị tập luyện chưa theo kịp tốc độ phát triển của thế giới, đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của quá trình đào tạo. 

Bên cạnh đó, việc thuê chuyên gia gặp nhiều khó khăn do vướng các thủ tục và thiếu cơ chế chính sách dẫn đến tình trạng không thu hút được các chuyên gia giỏi đến làm việc và cống hiến cho thành phố. Việc tập huấn và thi đấu quốc tế của các vận động viên thành phố không được thực hiện theo kế hoạch đề ra đã ảnh hưởng rất lớn đến thành tích cũng như hiệu quả của quá trình huấn luyện.

TP.HCM cần chú trọng phát triển thể thao quần chúng - Anh 3

Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận báo cáo về tình hình phát triển sự nghiệp thể thao TP.HCM

Thực tế cho thấy, tiềm lực thể thao thành phố vẫn còn rất nhiều, thế nhưng trong những năm qua vẫn chưa đạt được những thành tích cao. Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, khó khăn cốt lỗi của thể thao thành phố vẫn nằm ở cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, việc chia lẻ các môn thể thao về các quận huyện, các trung tâm, các đơn vị sự nghiệp… đã làm công tác quản lý, việc tập trung nguồn lực không hiệu quả.

Chính vì thế, để thể thao thành phố “thoát kén”, Cục trưởng Cục TDTT đề nghị thành phố quan tâm tháo gỡ vấn đề cơ sở vật chất đầu tiên. Đặc biệt, trong thời gian tới thành phố hoàn thiện Đề án tổ chức Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026 tại TP.HCM trình Bộ VHTTDL xin chủ trương chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Cũng qua đây, thành phố có điều kiện chuẩn bị cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo tốt nhất cho sự thành công của Đại hội, cũng như cả nước có điều kiện thuận lợi chuẩn bị tốt nhất tham gia Đại hội, nhằm cung cấp những vận động viên có trình độ cao cho thể thao Việt Nam.

Về vấn đề thể thao thành tích chưa được như kỳ vọng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, không phải thành phố không quan tâm đến thứ hạng, mà hơn cả thành phố quan tâm đến giá trị của một trung tâm lớn nằm ở việc lan tỏa cho các địa phương, đóng góp vào năng lực cạnh tranh quốc gia và là cầu nối để hợp tác quốc tế. Việc các địa phương khác có điều kiện đầu tư một số môn thế mạnh của mình thì điều đó tốt cho thể thao nước nhà. Thành phố không cạnh tranh với các địa phương trên phương diện này, mà thay vào đó là phải đầu tư để phát triển đúng tầm của mình với tư cách là một trung tâm lớn của cả nước. “Tức là chúng tôi có đóng góp cho địa phương khác, ví dụ như việc đầu tư phát triển tài năng từ cán bộ quản lý, từ đội ngũ giáo viên hướng dẫn, từ trọng tài, từ vận động viên… sau đó sẽ về các địa phương và tham gia vào địa phương khác. Hay từ thành phố đóng góp vào thành tích quốc gia cạnh tranh trên đấu trường quốc tế”, Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay.

TP.HCM cần chú trọng phát triển thể thao quần chúng - Anh 4

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt chỉ ra những vướng mắc của thể thao thành phố

Cũng qua đây, ông Phan Văn Mãi cũng chỉ ra thế mạnh bật rõ của thể thao thành phố hiện nay, đó là sự đóng góp tích cực và ủng hộ của người dân đối với hoạt động phong trào TDTT. Cụ thể, phong trào TDTT được duy trì và phát triển, giữ vững thành tích là đơn vị mạnh của cả nước, đến nay đã có 35,6% dân số tham gia tập luyện thường xuyên các môn thể thao. Chính phong trào thể thao quần chúng đã góp phần khơi dậy tính chủ động, sáng tạo, lòng tự tin, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm ở mỗi cá nhân, mỗi tập thể cùng hướng đến xây dựng một nền thể thao vững mạnh của thành phố.

Song song với việc quan tâm đến đến thế mạnh thì về đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chính sách phát triển thể thao, thành phố đã và đang chủ động để có thể vận động thêm các nguồn lực. Về kế hoạch tổ chức Đại hội thể thao lần thứ X, ông Phan Văn Mãi cam kết với Bộ trưởng là thành phố sẽ tập trung chuẩn bị về cơ sở vật chất và các điều kiện khác để tổ chức đại hội. Thành phố cũng mong muốn được đăng cai Đại hội Thể thao châu Á năm 2029. 

Bên cạnh đó, thành phố cũng mong muốn Bộ VHTTDL ban hành quy định về chuyên gia thể thao để thành phố cùng các tỉnh thành trên cả nước đang gặp khó khăn về vấn đề này có thể thạm mưu cơ chế chính sách phù hợp, nhằm thu hút lực lượng chuyên gia thể thao có trình độ chuyên môn cao về phục vụ cho ngành. Thành phố cũng kiến nghị Bộ quan tâm, nghiên cứu sớm ban hành các quy định chuyên môn của một số môn mà các doanh nghiệp tại thành phố đang quan tâm như: Muay, Cờ vua, Cờ tướng, Thể dục dụng cụ, Pilates, MMA, Poker, KickBoxing, Đua ngựa...

Phát biểu tổng kết buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ghi nhận những ý kiến của đại diện các đơn vị chuyên môn hai bên. Bên cạnh những ý kiến chỉ đạo về lĩnh vực văn hóa, du lịch, thì với thể thao Bộ trưởng đề nghị thành phố tiếp tục tập trung lĩnh vực thể thao quần chúng và từ đó phát hiện nhân tài cho thể thao thành tích cao.

HỒNG HẠNH; ảnh: THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc