Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng nhớ các bậc lãnh đạo tiền bối
VHO - Tiếp tục dâng hương, tướng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện Nam Đàn và Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, chiều 29.12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác của Trung ương đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các bậc tiền bối của Đảng, các anh hùng liệt sĩ và Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trên địa bàn Hà Tĩnh.
Dự lễ dâng hương có các Uỷ viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lương Tam Quang.
Cùng dự có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; lãnh đạo Quân khu 4; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An...
Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 10.1930 đến tháng 4.1931), người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng.
Từ một thanh niên trí thức yêu nước nhiệt thành, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, đồng chí đã trở thành người cộng sản ưu tú và là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang và những cống hiến hết sức to lớn của đồng chí Trần Phú là di sản quý báu, dệt kết nên pho sử vàng vinh quang của Đảng.
Tấm gương đạo đức cách mạng, khí phách người chiến sĩ cộng sản cao đẹp, kiên trung, bất khuất của đồng chí Trần Phú mãi tỏa sáng, để lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ta học tập, noi theo.
Tiếp đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại khu mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Đồng chí Hà Huy Tập (1906-1941) là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng giai đoạn từ tháng 7.1936 – 3.1938. Sinh ra và lớn lên trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập sớm được hun đúc khí chất của tầng lớp chí sĩ đương thời, sống có lý tưởng vì dân, vì nước.
Trong những năm cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, đồng chí Hà Huy Tập đã cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua phong ba, bão táp, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng tiến lên. Đồng chí cũng là một trong những nhà lý luận chính trị xuất sắc của Đảng ta, đã soạn thảo nhiều văn kiện Đảng, viết sách, báo, tuyên truyền, giáo dục giác ngộ cách mạng cho các tầng lớp nhân dân.
Những câu nói nổi tiếng: “Cách mạng muôn năm”, “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động” đã trở thành lời hiệu triệu, nhắc nhở hậu thế kiên định và thực hiện thắng lợi con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Trong không khí trang nghiêm trước anh linh các cố Tổng Bí thư Trần Phú và Hà Huy Tập, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí đi trong Đoàn công tác đã bày tỏ lòng thành kính trước những công lao to lớn, và sự hy sinh cao cả của các cố Tổng Bí thư đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Đồng thời, nguyện hứa mãi mãi noi gương các đồng chí cố Tổng Bí thư, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc; một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc), Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác đã dâng hương, đặt vòng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc và khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.
Ngã ba Đồng Lộc từng là trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ. Mảnh đất nhỏ bé này đã phải chịu đựng một lượng bom đạn khổng lồ với gần 50.000 quả bom các loại. Đã có nhiều anh hùng liệt sĩ mãi mãi nằm xuống, làm nên huyền thoại bất tử Đồng Lộc, trong đó có sự hy sinh oanh liệt của 10 nữ thanh niên xung phong.
Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia; tháng 12.2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nơi đây trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bao thế hệ người Việt Nam.
Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí trong đoàn đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hiến trọn tuổi thanh xuân, hi sinh vì độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Các anh hùng liệt sĩ mãi là tấm gương tiêu biểu cho lòng yêu nước, cống hiến, hi sinh cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng, của dân tộc.
Dâng hương tại khu mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y (1724-2024), Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác đã bày tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân sâu sắc trước những công lao, cống hiến to lớn của Đại danh y đối với nền y học, văn hoá nước nhà và thế giới. Những giá trị về y đức, y đạo, y thuật và những công lao, cống hiến to lớn của Danh nhân Văn hoá thế giới Lê Hữu Trác mãi là di sản quý giá để thế hệ mai sau học tập, làm theo.
Lê Hữu Trác, tên hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 27.12.1724. Thân phụ là Thị lang Bộ Công, Tiến sĩ Lê Hữu Mưu, người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Thân mẫu là bà Bùi Thị Thưởng, người làng Bàu Thượng, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Sinh ra trong một gia đình khoa bảng, nổi tiếng thông minh, hiếu học, văn võ song toàn, Hải Thượng Lãn Ông nuôi hoài bão đem tài năng phục vụ triều đình, tuy nhiên trước sự rối ren của xã hội phong kiến thời Lê - Trịnh, ông đã rời xa Kinh thành Thăng Long về quê mẹ Hương Sơn, Hà Tĩnh chuyên tâm với nghề bốc thuốc, chữa bệnh cứu người.
Với trí tuệ uyên bác, tình yêu thương con người sâu sắc, Hải Thượng Lãn Ông đã dành trọn cuộc đời tìm tòi, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm, nâng tầm lý luận về y đức, y lý, y thuật và dược học, “dựng ngọn cờ đỏ thắm cho nền y học nước nhà”, đưa nền y học Việt Nam tiếp cận với nền y học thế giới.