Tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn kinh tế báo chí
VHO - Ngày 24.2, Bộ TT&TT phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. Dự và chủ trì diễn đàn có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn.
Diễn đàn kinh tế báo chí năm 2023
Diễn đàn còn có sự tham gia của 130 đại biểu chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế báo chí, Tổng biên tập, Phó Tổng biên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc; các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trong cả nước.
Diễn đàn Kinh tế báo chí lần này nhằm mục đích trao đổi, đánh giá về thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu và hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan tới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ. Đồng thời, chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta... Từ đó đề xuất được những giải pháp, kiến nghị phù hợp nhằm giúp phát triển kinh tế báo chí tại Việt Nam.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, kinh tế báo chí là một vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp để báo chí Việt Nam phát triển. Đặc biệt, giải được bài toán kinh tế báo chí cũng giúp cho báo chí các địa phương có thể từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam; là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu chào mừng tại diễn đàn
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong điều kiện kinh tế báo chí bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều cơ quan báo chí trong đó có cơ quan báo chí của tỉnh nhà đang gặp nhiều khó khăn, báo in ngày càng sụt giảm, trong khi vẫn phải đầu tư cho báo điện tử mà không thu được doanh số đáng kể. Song song với đó, truyền hình mất dần doanh thu, nguồn thu quảng cáo bởi các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến các cơ quan báo chí thiếu nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực. “Hy vọng rằng, sau dễn đàn này, nhiều giải pháp, cách thức đột phá được gợi mở, nhằm kích thích kinh tế báo chí phát triển đúng định hướng theo hướng mạnh mẽ hơn, bền vững hơn nữa”, ông Tuấn nói.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho hay: “Trước xu hướng sụt giảm doanh thu của các cơ quan báo chí, chúng ta còn lúng túng trong việc suy nghĩ giải pháp để tháo gỡ khó khăn, điều này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách chưa đủ nhanh và chưa đủ kịp thời”. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 sẽ là cơ hội để chúng ta chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm tốt để tiến về phía trước với tinh thần lạc quan.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu
Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, báo chí đã có nhiều đóng góp vào thành công trong phòng, chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Song, nghịch lý là, doanh thu báo chí lại ghi nhận có sự sụt giảm mạnh dù tỷ lệ người xem, người đọc tăng lên. Qua khảo sát, nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm, trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỉ đồng, năm 2021 là 1.952 tỉ đồng); tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỉ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỉ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỉ đồng. Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.
Theo Cục Báo chí, có một thực tế là, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. Nhiều người đặt kỳ vọng vào báo chí điện tử, song nguồn thu từ báo chí điện tử dù tăng nhưng vẫn cần nhiều thời gian để có được nguồn thu bền vững hơn. “Việc khai thác cơ chế đặt hàng của các cơ quan nhà nước cũng là một trong những phương thức hiệu quả giúp cơ quan báo chí vừa tăng được doanh thu, vừa thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”, Cục Báo chí cho hay.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu
Đề cập đến nội dung kinh tế báo chí phải chăng là kinh tế hóa mục đích, tôn chỉ tờ báo, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền nhìn nhận: Tờ báo không phải doanh nghiệp sinh ra để kinh doanh lấy lợi nhuận kinh tế làm thước đo tồn tại và phát triển. Trước hết, tờ báo phải làm nội dung tốt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của tờ báo, tạo vị thế vững vàng, tạo nền tảng tốt trong dòng chảy thông tin báo chí cách mạng... sau đó mới có thể triển khai nhiệm vụ kinh tế báo chí. Tờ báo không sinh ra để kinh doanh, trong khi nhiệm vụ chính trị, tôn chỉ, mục đích thì lại xem nhẹ và mánh lới, “lạng lách” theo các nội dung kinh tế quyết định; “khoán doanh thu” hay xem “doanh thu và lợi nhuận” là tiêu chí tồn tại và đánh giá vị thế, chất lượng tờ báo như kiểu đánh giá doanh nghiệp.
Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân chia sẻ thêm, sự thất bại về kinh tế báo chí, tờ báo sẽ khó khăn nhưng còn có thể cứu vãn được. Tuy nhiên, sự thất bại về chính trị, tức xa rời, buông bỏ tôn chỉ, mục đích, nhất là thất bại về pháp lý, thì tờ báo nhất định không còn chốn để nương thân.
PHAN HIẾU