Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức Festival sông Hồng

QUANG HUY - T. QUANG

VHO - Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai vào chiều tối 22.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Lào Cai nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức Festival sông Hồng, hoàn thành trong quý I.2025.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức Festival sông Hồng - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá khái quát, từ cuộc làm việc trước (tháng 9.2022) tới nay, Lào Cai đã có nhiều tiến bộ về mọi mặt, nhiều việc làm tốt, đóng góp vào những thành tựu, kết quả chung của cả nước, đặc biệt là đã khắc phục hiệu quả hậu quả cơn bão Yagi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, Thủ tướng chỉ ra một số khó khăn, tồn tại, hạn chế của tỉnh. Theo đó, quy mô nền kinh tế còn nhỏ; chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững. Thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp, sụt lún, sạt lở khó dự báo. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn bất cập. Tỉ lệ hộ nghèo cao, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng đô thị và nông thôn còn cao. An ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội một số nơi tiềm ẩn yếu tố phức tạp...

Về quan điểm, định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để cụ thể hóa, triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao.

Là một địa phương có điểm mạnh và vị trí lợi thế so sánh đặc biệt cả về an ninh, quốc phòng, kết nối phát triển du lịch, dịch vụ, giao thương quốc tế, nhất là với Sa Pa, kinh tế cửa khẩu, sông Hồng..., Lào Cai cần phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường, khai thác hiệu quả không gian rừng, không gian ngầm và không gian vũ trụ, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp.

Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng trước hết yêu cầu Lào Cai rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, mục tiêu nào chưa đạt thì phấn đấu đạt bằng được, mục tiêu nào đã đạt thì tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức Festival sông Hồng - ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai

Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu của Lào Cai để phát triển trí tuệ nhân tạo và hoạch định chính sách.

Yêu cầu phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt khoảng trên 10% trong năm 2025, Thủ tướng nêu rõ, cần huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt là vốn FDI và hình thức đối tác công tư).

Tiếp tục thúc đẩy kinh tế cửa khẩu trở thành điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Lào Cai và các tỉnh vùng Trung du, miền núi phía bắc; tập trung xây dựng Lào Cai thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị.

Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quyết liệt, tích cực hơn nữa, tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết 18 của Trung ương. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; kiên quyết xóa bỏ cơ chế "xin - cho".

Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chú trọng cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)...

Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Lào Cai. Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn tỉnh (tháng 6.2025), hoàn thành mục tiêu được giao về nhà ở xã hội.

Giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại, giữ vững an ninh, quốc phòng; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Chủ động xây dựng cửa khẩu thông minh và phối hợp cùng các bộ, ngành xây dựng, triển khai dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của Lào Cai để tiếp tục tập trung triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng kết nối trọng điểm của tỉnh và quốc gia, quốc tế: Cảng hàng không Sa Pa, đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, thúc đẩy hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Lào Cai 4 làn xe, cầu biên giới Bản Vược-Bá Sái, dự án đường điện 500 KV Lào Cai-Vĩnh Yên (hoàn thành trong 6 tháng)…

Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành dự án tái thiết 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng; khảo sát phương án xây dựng, hướng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng kết nối Việt Nam với Trung Quốc; chúc mừng các linh mục, tu sĩ, đồng bào Công giáo tại Giáo xứ Lào Cai và tặng quà một số gia đình giáo dân nhân dịp Giáng sinh; dự lễ khởi công dự án nhà ở xã hội Golden Square Lào Cai tại phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai.

Liên quan đến dự thảo Đề án Tổ chức Festival sông Hồng giai đoạn 2024 – 2034, tại cuộc làm việc với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ vào tháng 4.2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung cho biết, Lào Cai là một tỉnh đa dân tộc, nơi hội tụ của 25 nhóm ngành dân tộc anh em với bản sắc văn hoá, phong tục tập quán đa dạng; là tài nguyên du lịch văn hóa phong phú phục vụ cho định hướng phát triển du lịch văn hóa đặc sắc của Lào Cai.

Festival sông Hồng được tổ chức sẽ trở thành sự kiện văn hóa quy mô lớn, vừa mang tính biểu tượng, vừa làm nổi bật những giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc tại Lào Cai gắn liền với dòng sông Hồng lịch sử. Đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai trong tương lai. Theo kế hoạch, trong năm 2024, Festival dự kiến sẽ lấy chủ đề “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” với quy mô cấp tỉnh, diễn ra vào tháng 10.2024. Tuy nhiên, để dồn lực khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3, UBND tỉnh Lào Cai đã có Văn bản 5348 /UBND-VX ngày 25.9.2024 về việc điều chỉnh các hoạt động trong khuôn khổ Festival sông Hồng năm 2024 và các hoạt động liên quan. Theo đó, dừng tổ chức các hoạt động Festival sông Hồng năm 2024, chuyển sang tổ chức vào năm 2025.

Festival sông Hồng theo kế hoạch có các hoạt động chính gồm: Lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật, bắn pháo hoa; trải nghiệm không gian văn hóa và ẩm thực các dân tộc tỉnh Lào Cai, các tỉnh dọc sông Hồng - Việt Nam và châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc (gồm các hoạt động cụ thể: trải nghiệm không gian văn hóa chủ đề “Dòng chảy tinh hoa”; thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Lào Cai; trải nghiệm ẩm thực các dân tộc tỉnh Lào Cai - Việt Nam và Hồng Hà - Trung Quốc; trưng bày không gian quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch cấp vùng); trưng bày ảnh đẹp, ấn phẩm, tư liệu, hiện vật về Lào Cai và văn hóa sông Hồng; Giải Marathon "Cung đường hữu nghị” Lào Cai, Việt Nam - Hồng Hà, Trung Quốc; Giải vô địch Golf tỉnh Lào Cai mở rộng; Hội thảo quốc tế “Giải pháp thúc đẩy hợp tác, phát triển giữa các tỉnh lưu vực sông Hồng - Việt Nam và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc”; hoạt động truyền thông về Festival sông Hồng; Hội chợ Du lịch quốc tế.

Cho ý kiến về  nội dung này, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, làm việc nghiêm túc, nghiên cứu kỹ trong việc xây dựng từng đầu việc trong Đề án.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ khẳng định, Bộ VHTTDL đồng ý với chủ trương tổ chức festival và sẽ có sự đồng hành với tỉnh trong tổ chức các hoạt động.

Để Đề án sớm được ban hành mang lại giá trị thực tiễn cao, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống,Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ VHTTDL chủ động rà soát, cho ý kiến về Đề án; phối hợp với tỉnh Lào Cai để triển khai thực hiện kế hoạch hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ, góp phần tổ chức thành công Festival sông Hồng lần thứ nhất và các năm tiếp theo.