Thủ tướng: Hải Dương cần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, biến di sản tài sản, thành nguồn lực phát triển
VHO-Ngày 16.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hoá, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022, những tháng đầu năm 2023, định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo, giải quyết một số kiến nghị nhằm tạo điều kiện, thúc đẩy Hải Dương phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ VHTTDLNguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, tạo cả lực đẩy và lực kéo cho phát triển. Coi quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, chiến lược; bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Quy hoạch phải có tính ổn định, lâu dài, còn đầu tư có thể phân kỳ, phù hợp nguồn lực. Những vị trí thuận lợi nhất phải dành cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho người dân.
Đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công-tư, lấy nguồn lực Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn vốn xã hội; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung đầu tư kết nối giao thông với Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh…, kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để sân bay, cảng biển gần hơn, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, mở ra không gian phát triển mới.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của tỉnh. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, vừa phát triển các doanh nghiệp lớn, vừa nâng cao năng lực cho doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng (cơ khí, chế tạo máy, thiết bị, thiết bị điện, điện tử, hoá chất, phụ trợ…) theo hướng nâng cao nội địa hóa, thiết kế sản phẩm. Phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm OCOP. Phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, sản phẩm, dịch vụ đặc thù.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống, biến di sản tài sản, thành nguồn lực phát triển. Nghiên cứu, quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư vào Khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề cử công nhận Quần thể di tích "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới, hình thành chuỗi di sản và phát huy tốt nhất giá trị các di sản này.
Trước đó, chiều 15.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, dâng hương khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc và khu di tích quốc gia đền thờ Chu Văn An tại TP. Chí Linh.
Cùng đi với Thủ tướng có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Hải Dương.Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV.
Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân khác như Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang…
Những điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn (một trong những trung tâm của thiền phái Trúc Lâm được Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIII), đền Kiếp Bạc thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Nguyễn Trãi… Còn đền thờ Chu Văn An là nơi thờ phụng người thầy giáo lỗi lạc thời Trần, đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1998.
Tìm hiểu về quy hoạch khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Hải Dương phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và các bộ, cơ quan liên quan tích cực triển khai các công việc để hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới, hoàn thành trong quý II/2023.
Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL, tỉnh Hải Dương và các địa phương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trong khu vực, kết nối Côn Sơn -Kiếp Bạc với các di tích khác trong tỉnh Hải Dương và di tích Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), hình thành chuỗi di sản, phát huy cao nhất giá trị về nhiều mặt của các di sản này.
TÙNG QUANG; ảnh: H.D