Thẩm tra Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Ủy ban VHGD của Quốc hội: Đủ điều kiện để trình Quốc hội
VHO - Tại phiên họp mở rộng của thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (VHGD) của Quốc hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào ngày 8.4, hầu hết các ý kiến đều đánh giá, dự án Luật đã được Bộ VHTTDL chủ trì soạn thảo một cách công phu, nghiêm túc, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.
Toàn cảnh phiên họp
Phiên họp có sự tham gia của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban VHGD của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. Cùng tham dự phiên họp còn có đại diện các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các Bộ: Tư pháp, Nội vụ, NN&PTNT, Ngoại giao; Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam; đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam…
Khắc phục được những hạn chế, bất cập
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD của Quốc hội Phan Viết Lượng cho biết, Thường trực Ủy ban VHGD tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Luật tại Tờ trình số 119/TTr-CP ngày 29.3.2024 của Chính phủ.
“Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu và được tiến hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Luật kế thừa, sửa đổi nhiều quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành và bổ sung nhiều quy định mới để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, chính sách, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn”, ông Lượng nhấn mạnh. Cũng theo ông Lượng, dự thảo Luật cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế. Đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu để nội luật hóa đầy đủ nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của UNESCO về đối tượng, loại hình, tên gọi các loại hình di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa... Đồng thời, rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật liên quan đến các luật khác như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Quy hoạch, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Thi đua, khen thưởng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD của Quốc hội cho biết thêm, một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thêm các quy định về di sản đô thị, di sản công nghiệp, số hóa di sản, bảo tàng số, bảo tàng ảo…; các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa, chuẩn hóa dữ liệu di sản văn hóa trong kho dữ liệu số quốc gia; kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các lĩnh vực bảo tàng, thư viện; xây dựng danh sách ưu tiên các di sản cần số hóa, danh sách các bảo tàng cần ưu tiên đầu tư; vấn đề bản quyền trong việc số hóa dữ liệu về di sản văn hóa. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung Ngày Di sản văn hóa Việt Nam vào dự thảo Luật nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam trong toàn dân…
Sau khi được giao nhiệm vụ tham mưu đề xuất, sửa đổi Luật Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL đã ý thức cao về trách nhiệm của mình. Mặc dù đây là luật chuyên ngành khó, có độ bao quát rộng, liên quan đến nhiều luật khác, nhưng Bộ đã chủ động rà soát, đánh giá tác động; tổ chức các Hội thảo khoa học từ đó tìm ra được những điểm nghẽn để đề xuất sửa đổi Luật. Việc sửa đổi Luật cũng nhằm kiến tạo hành lang pháp lý để gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản trở thành tài sản, dựa trên cơ sở tài nguyên thiên nhiên phong phú để thấy được công sức sáng tạo, nét đẹp văn hóa ngàn đời mà cha ông ta đã dày công gây dựng. Dù đây là dự án Luật khó nhưng không thể không làm, cho tới thời điểm này, Bộ VHTTDL đã hoàn thành hồ sơ dự án Luật. Với tinh thần cầu thị, cơ quan soạn thảo đã lắng nghe và tiếp thu đầy đủ, có chọn lọc các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự án Luật có chất lượng cao nhất để trình Quốc hội trong kỳ họp tới. (Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG) |
Để Luật Di sản văn hóa “đứng yên” là không phù hợp
Tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao Ban soạn thảo dự án Luật đã chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, dự án Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội
Theo đại biểu Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đất nước ta có nhiều di sản văn hóa cần được bảo tồn, phát huy. Việc chúng ta trân trọng giá trị di sản văn hóa chính là trân trọng lịch sử, trân trọng những gì mà cha ông ta đã dày công gây dựng. Đây cũng là điều trăn trở bấy lâu nay của Đảng, Nhà nước ta. Chính vì vậy căn cứ vào tình hình thực tiễn, việc sửa đổi Luật này là cần thiết để gìn giữ, phát huy giá trị của di sản, biến chúng trở thành tài sản, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế, xã hội nói chung. “Tôi đánh giá cao Ban soạn thảo đã chuẩn bị dự án Luật chi tiết, công phu và đầy đủ. Luật hiện hành ban hành được 23 năm, đã quá cũ, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn vì vậy cần phải sửa đổi, bổ sung. Đây cũng là luật liên quan đến nhiều luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai… Các luật khác cũng sửa đổi, bổ sung, đã thay đổi mà mình lại đứng yên một chỗ là không phù hợp. Tôi thấy một số nơi, việc trùng tu, tôn tạo di tích vẫn chưa làm theo đúng các quy định nên xảy ra tình trạng “khoác áo mới” làm mất giá trị của di tích hàng trăm năm tuổi. Vì thế, việc sửa đổi Luật cũng sẽ giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để chúng ta gìn giữ, phát huy các báu vật của cha ông được tốt hơn”, đại biểu Nam nói.
Tại phiên thẩm tra, nhiều ý kiến đánh giá cao Ban soạn thảo đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Trong ảnh: Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc Hải Dương Ảnh: TRẦN HUẤN
Tán thành với trình bày của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về sự cần thiết cũng như một số nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trên tinh thần chủ động “từ sớm, từ xa” như Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu. Đồng tình với dự thảo Luật, ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD của Quốc hội nhấn mạnh, dự án Luật cần quan tâm thêm về chính sách khuyến khích phát triển bảo tàng tư nhân. Theo ông, đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Vì thế dự thảo Luật cần có chính sách thông thoáng, khuyến khích, đầu tư bảo tàng ngoài công lập.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban VHGD của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, hồ sơ dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, từ rất sớm, đủ chất lượng để có thể báo cáo trình Quốc hội. Để đảm bảo tính chặt chẽ, Chủ nhiệm Ủy ban VHGD Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện; đặc biệt rà soát thật kỹ nội dung về 3 nhóm chính sách lớn. Bên cạnh đó, nghiên cứu, rà soát thêm các nội dung đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); nguồn nhân lực về tài chính; sở lữu của một số di tích giao tư nhân quản lý…
Nhấn mạnh dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là một dự án Luật lớn, liên quan đến nhiều các luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban VHGD Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, cần đối chiếu, rà soát thật kỹ các nội dung có liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN