Từ đội du kích Pác Bó đến Quân đội Nhân dân Việt Nam:

Sức mạnh từ nhân dân, vì nhân dân

VŨ THỊ KIM YẾN (Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

VHO - Với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chuẩn bị cho sự ra đời của một quân đội cách mạng, làm nền tảng vững chắc giúp Đảng và nhân dân hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự kiện ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22.12.1944, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam, gắn liền với dấu ấn lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sức mạnh từ nhân dân, vì nhân dân - ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bộ đội diễn tập tại Sơn Tây (năm 1957)

 Đội quân từ nhân dân mà ra, chiến đấu vì nhân dân, trung thành với sự nghiệp giải phóng dân tộc

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28.1.1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc và chọn Pác Bó (Cao Bằng) làm nơi khởi phát phong trào cách mạng, phát động giai đoạn mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào, để đáp ứng yêu cầu mới, cuối năm 1941, Người quyết định thành lập đội du kích tập trung, tách khỏi sản xuất. Tháng 11.1941, tại Pài Co Nhản, Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, đội du kích đầu tiên của cách mạng Việt Nam ra đời, gồm 12 thành viên, do đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tới dự khai mạc và căn dặn: “Hôm nay, đội du kích Việt Minh đầu tiên được thành lập. Chúng ta cần nghiên cứu và làm tốt nhiệm vụ đã đề ra… Phải cố gắng học trong sách, học trong công tác và chiến đấu. Chúng ta sẽ tổ chức và phát triển nhiều đội du kích khác không chỉ ở Cao Bằng mà còn ở các tỉnh khác”.

Đội du kích Pác Bó có nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc đặc biệt và thực hiện công tác vũ trang tuyên truyền trong quần chúng. Đặc biệt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bổ sung thêm một nhiệm vụ quan trọng nữa: Xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang trong tương lai. Người trực tiếp giáo dục chính trị, hướng dẫn quân sự cho đội và soạn thảo tài liệu huấn luyện quân sự. Để phổ biến kiến thức quân sự phục vụ công cuộc chuẩn bị vũ trang toàn dân, Người viết những tài liệu đơn giản, dễ hiểu về chiến thuật du kích, như “Kinh nghiệm du kích Nga”, “Kinh nghiệm du kích Tàu”, in thành sách nhỏ để các đội tự vệ và hội viên cứu quốc dễ dàng tiếp cận và nghiên cứu.

Đầu tháng 4.1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo đội du kích phân tán hoạt động, điều động các đội viên làm nòng cốt tổ chức các đội vũ trang địa phương. Từ những cán bộ cốt cán của đội, nhiều đội vũ trang ở các địa phương đã được thành lập. Mặc dù chỉ tồn tại trong hai năm (1941-1943), Đội du kích Pác Bó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phát triển mạnh mẽ cả về khả năng huấn luyện chính trị, quân sự cho các địa phương và tổ chức lực lượng vũ trang tại các tổng, các châu. Hoạt động của đội để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân, thể hiện hình ảnh một đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, chiến đấu vì nhân dân, trung thành với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự ra đời và hoạt động của Đội du kích Pác Bó đã mang lại những bài học quý báu, đóng góp cho việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đến giữa năm 1944, mặc dù chính quyền Mặt trận Việt Minh đã phát triển mạnh ở các vùng Cao - Bắc - Lạng, nhưng mối liên kết giữa đấu tranh vũ trang và chính trị vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Cuối tháng 10.1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh kiểm tra Đại đội tự vệ vũ trang Hồng Phong (bí mật của châu Hà Quảng), sau khi phân tích tình hình và điều kiện thực tế, Người nhấn mạnh phương châm kết hợp đấu tranh chính trị và vũ trang, thúc đẩy phong trào cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Người khẳng định: “Cuộc đấu tranh phải bắt đầu từ chính trị rồi mới đến quân sự. Tuy nhiên, chính trị phải được ưu tiên hơn quân sự”. Người chỉ rõ, cần tìm ra hình thức phù hợp để đẩy mạnh phong trào cách mạng, tạo bước tiến vững chắc hơn.

Theo chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đầu tháng 12.1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Trong hồi ký, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Bác đã thêm vào hai chữ “tuyên truyền” để phù hợp với nhiệm vụ của đội, gọi là “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Nhiệm vụ của đội là dùng vũ trang để động viên và kêu gọi nhân dân đứng lên, nhưng ngay từ đầu, phương châm hoạt động là coi chính trị quan trọng hơn quân sự, tuyên truyền quan trọng hơn tác chiến... Chỉ thị này đã trở thành đường lối của quân đội ta, không chỉ trong giai đoạn đó mà còn xuyên suốt cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc”.

Sức mạnh từ nhân dân, vì nhân dân - ảnh 2
Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Ảnh TƯ LIỆU)

Tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc

Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, việc thành lập đội được tổ chức nhanh chóng. Cán bộ và vũ khí được điều động về. 34 đồng chí đầu tiên tham gia thành lập đội được chọn trong những trung đội trưởng, tiểu đội trưởng hay những chiến sĩ xuất sắc rất dũng cảm của đội vũ trang địa phương và có thêm một số cán bộ vừa học quân sự ở Trung Quốc về. Trong hồi ký của đồng chí Võ Nguyên Giáp viết: “Không người nào là không mang một mối hận thù với đế quốc, hoặc nhà cửa bị đốt, của cải bị tịch thu, hoặc cha anh chị em bị bắt, bị bắn, còn chính mình nếu chưa trải qua lao tù thì cũng là những kẻ đang bị truy nã, đầu bị treo thưởng hàng vạn đồng, hàng trăm đấu muối”. Đó là đội trưởng Hoàng Sâm, thoát ly gia đình từ nhỏ tham gia hoạt động cách mạng, nhiều năm bị đế quốc truy nã vẫn lăn lộn trong đồng bào Kinh, Thổ, Mán, Nùng, nhiều lần vũ trang chiến đấu đánh vào các đội quân tuần tiễu của Pháp, làm cho bọn thổ phỉ cũng phải kinh sợ; chính trị viên Dương Mạc Thạch (bí danh Xích Thắng), là cán bộ nằm vùng dày dạn kinh nghiệm, đã nhiều lần chết hụt trước mũi súng của quân đội đế quốc; đồng chí Lâm Cẩm Như 14 tuổi đã làm giao liên đưa đón cán bộ cách mạng sang Trung Quốc; lão đồng chí Văn Tiên và các nữ đồng chí Cầm, Loan, Thanh… đều là những người đã được thử thách qua nhiều lần khủng bố gắt gao của kẻ thù.

Ngày 22.12.1944, lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được cử hành trong một khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đại diện liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng cùng đông đảo đại biểu nhân dân Tày, Mán, Nùng đã đến tham dự buổi lễ. Được ủy nhiệm thay mặt đoàn thể thành lập đội và vạch rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp khẳng định quyết tâm của toàn thể các đội viên: “Chúng ta nêu cao tinh thần anh dũng hy sinh. Chúng ta quyết tiến tới để làm tròn nhiệm vụ... Quân giải phóng sẽ tỏ rằng mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc”.

Tuy lực lượng ít, vũ khí trang thiết bị thô sơ nhưng chỉ mấy ngày sau lễ thành lập, Đội đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phai Khắt (25.12.1944) và Nà Ngần (26.12.1944), đúng như lời lãnh tụ Hồ Chí Minh căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Trận đầu nhất định phải thắng lợi. Hành động quân sự đầu tiên này sẽ là nội dung rất tốt của công tác tuyên truyền...”. Những chiến công đó đã tạo ra một luồng sinh khí mới cổ vũ, khích lệ phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của nhân dân ta và mở đầu cho truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Như dòng cảm xúc vào buổi ban đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22.12.1944 mà đồng chí Võ Nguyên Giáp đã bộc lộ: “Chúng tôi quên đi chúng tôi là ba mươi tư con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đây là cả một đoàn quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù”. Hay của người đội viên Hoàng Văn Thái (sau này là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam) tự hào khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trở thành chủ lực trong công cuộc giành chính quyền trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945: “Tôi xúc động giống như ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngày đó mới chỉ là ước mơ Quân giải phóng sẽ tung cờ giải phóng trên đất Thăng Long, trên thành Huế, trên Sài Gòn, mũi Cà Mau, hôm nay sắp thành hiện thực rồi”.

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự đùm bọc, che chở của nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập nên những chiến công hiển hách, tô thắm trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Phát huy kết quả đạt được, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục thực hiện đồng bộ chủ trương, giải pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân nhằm xây dựng tiềm lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia, trọng tâm là tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực quân sự vững mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc