Quy hoạch các thiết chế văn hoá, thể thao trọng điểm, chú trọng du lịch bản sắc vùng, miền

VHO - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, thành viên Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã đề xuất, gợi mở một số vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy liên kết vùng một cách hiệu quả hơn.

Quy hoạch các thiết chế văn hoá, thể thao trọng điểm, chú trọng du lịch bản sắc vùng, miền - Anh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị

Thực hiện Chương trình công tác của Hội đồng Điều phối Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, ngày 13.1, tại Nghệ An, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2024, nhằm tổng kết, đánh giá những công việc đã đạt được của Hội đồng Điều phối Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trong năm 2023, đồng thời thảo luận về kế hoạch hoạt động năm 2024. 

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý; các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo Bộ, ngành 13 tỉnh, thành Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; các chuyên gia, nhà khoa học.

Liên kết phát triển vùng làm động lực tăng trưởng

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "cửa ngõ" ra biển và "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên.

Năm 2023 là năm Chính phủ kiện toàn tổ chức, ổn định bộ máy hoạt động của các Hội đồng Điều phối Vùng, đồng thời hoàn thiện các nhiệm vụ lớn, trọng tâm là trình phê duyệt Quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, làm cơ sở để tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong Vùng và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Đến nay, hầu hết các Bộ, ngành và 14/14 địa phương trong Vùng đã thành lập Tổ điều phối cấp Bộ và cấp tỉnh.

Việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển địa phương và vùng đang được các tỉnh tích cực thực hiện để thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho 5 tỉnh, thành phố trong vùng: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Khánh Hòa, đến nay Trung ương và các địa phương đã ban hành đầy đủ các quy định, thủ tục để cụ thể hoá Nghị quyết Quốc hội và đang áp dụng hiệu quả.

Quy hoạch các thiết chế văn hoá, thể thao trọng điểm, chú trọng du lịch bản sắc vùng, miền - Anh 2

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, thành viên Hội đồng điều phối vùng đã đề xuất, gợi mở một số vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy liên kết vùng một cách hiệu quả hơn. Trong đó cần tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua điện ảnh; tạo sản phẩm văn hoá bằng di tích, di sản và kết nối các địa phương với nhau. Dư địa phát triển và tiềm năng đột phá ở dải đất miền Trung là khai thác công nghiệp văn hóa, bao gồm cả du lịch văn hóa. Chẳng hạn, tỉnh Khánh Hòa đang hướng tới xây dựng Nha Trang trở thành một thành phố điện ảnh, gắn kết giữa điện ảnh và du lịch. Các địa phương khác đều có những điểm nhấn riêng. Bộ trưởng cho rằng, cần đề cập các thiết chế có tính chất trọng tâm của vùng và kết nối, như cần hình thành cho được 3 trung tâm nghệ thuật biểu diễn lớn, có thể là Hà Nội – TP.HCM - Đà Nẵng/Nghệ An. Ở lĩnh vực du lịch, cần đề cập kỹ hơn những điểm khác biệt giữa các địa phương, các vùng, nếu không sẽ thấy ở đâu cũng làm du lịch được, ở đâu cũng có biển, có rừng, có cộng đồng. Nếu không được liên kết, quy hoạch thì du lịch ở các địa phương chỉ mang tính đơn lẻ, manh mún. Cần nhìn nhận tài nguyên về lịch sử, văn hóa, di sản.

Địa phương và vùng chỉ cần có một di sản thiên nhiên thế giới thì địa phương và vùng đó thu hút du khách. Trong phát triển du lịch, có thể hình thành 2 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gắn liền đặc trưng tự nhiên của khu vực Trường Sơn và dải đồng bằng ven biển, nổi tiếng với các di sản Phong Nha Kẻ Bàng, cố đô Huế và các khu du lịch tiềm năng: Sầm Sơn (Thanh Hóa); Diễn Châu (Nghệ An); Thiên Cầm (Hà Tĩnh); Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình); Cửa Tùng, Cửa Việt, Cồn Cỏ (Quảng Trị); Lăng Cô, Cảnh Dương (Thừa Thiên Huế)…Với Tiểu vùng duyên hải Nam Trung Bộ, dựa trên trụ cột văn hóa Chăm để đầu tư đồng bộ như Mũi Né và 9 khu vực tiềm năng: Sơn Trà và Mỹ Khê (Đà Nẵng), Vịnh Xuân Đài (Phú Yên), Vịnh Cam Ranh và Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa)… Theo Bộ trưởng, trong Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cần bảo vệ những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đồng thời cập nhật những khu vực tiềm năng trong đồ án quy hoạch và bổ sung du lịch về thể thao, trong đó có bộ môn golf; bổ sung các thiết chế thể thao. "Quyết định số 1752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa có trung tâm thể thao trọng điểm làm chức năng trung tâm vùng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ với 5 chính sách đặc thù, cơ bản đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương để tăng cường liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Cả vùng năm 2023 thu hút được 183 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký 2,13 tỷ USD. Công tác điều phối, liên kết phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đạt kết quả cao, đã triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia trên địa bàn vùng. Năm 2023, vùng hoàn thành các đoạn đường bộ cao tốc: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL.45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu.

Công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đẩy nhanh tiến độ. Đến ngày 31.12.2023, có 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt, trong đó: 73 quy hoạch đã được phê duyệt; 07 quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt; 23 quy hoạch đã thẩm định xong, đang hoàn thiện theo ý kiến thẩm định; 06 quy hoạch đang trong quá trình thẩm định.

Bộ KH&ĐTđã hoàn thiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đã tổng hợp danh mục dự án đầu tư kết cấu hạ tầng nội vùng, liên vùng, thống nhất với danh mục tại Nghị quyết số 168/NQ-CP của Chính phủ triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Quy hoạch vùng được thông qua sẽ là cơ sở để các địa phương trong Vùng liên kết, hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.

Các thành viên Hội đồng Điều phối vùng đã tích cực thực hiện nhiệm vụ là thành viên Hội đồng điều phối vùng; tham gia đầy đủ các phiên họp Hội đồng và các nhiệm vụ công tác được giao nhằm đẩy mạnh liên kết vùng trong các hoạt động, các ngành, lĩnh vực được phân công. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng đạt khá với tốc độ tăng trưởng đạt 5,51%, cao hơn so với tăng trưởng chung cả nước (5,05%); GRDP bình quân vùng đạt 75,6 triệu đồng/người, tăng 8% so năm 2022; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 5,5%, cao hơn so bình quân cả nước (3,65%).

Lưu ý quy hoạch các cơ sở giáo dục đào tạo, mạng lưới y tế, cơ sở văn hoá nghệ thuật, thể thao, du lịch

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận, đề xuất, làm rõ hơn những kết quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng và các địa phương trong vùng; qua đó đánh giá cao hoạt động hiệu quả, thực chất của Hội đồng điều phối vùng, rút ngắn khoảng cách, tạo sự gắn kết hợp tác phát triển của các địa phương và các bộ, ngành Trung ương.

Quy hoạch các thiết chế văn hoá, thể thao trọng điểm, chú trọng du lịch bản sắc vùng, miền - Anh 3

Toàn cảnh Hội nghị

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng là thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và triển khai xây dựng, thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng điều phối vùng lắng nghe ý kiến các địa phương trong vùng để góp ý xây dựng các cơ chế, chính sách cho quốc gia, của vùng.

Về nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ KH&ĐTxây dựng các tiêu chí, giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, các tiểu vùng trong vùng. Các địa phương nghiên cứu, đóng góp vào các quy hoạch ngành, đặc biệt là quy hoạch các cơ sở giáo dục đào tạo, mạng lưới y tế, cơ sở văn hoá nghệ thuật, thể thao, du lịch... Trong vùng, cần xây dựng các sản phẩm của vùng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực thực hiện.

Về vấn đề kết nối vùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương lựa chọn theo hướng ưu tiên các dự án, công trình hạ tầng giao thông có tính toán đến kết nối với các vùng khác; hạ tầng công nghệ thông tin; hạ tầng năng lượng theo hướng trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo. Xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối giữa các vùng với nhau để tạo động lực, lan tỏa giữa các vùng. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, hiện nay trong vùng có 5 địa phương đang thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, vì vậy các địa phương này cần tổ chức sơ, tổng kết việc thực hiện các chính sách đặc thù; qua đó, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho tiểu vùng, vùng. Các địa phương, các tiểu vùng nghiên cứu cơ chế vận hành tiểu vùng, của vùng theo các cơ chế, chính sách đặc thù...

Trong thời gian tới, Hội đồng điều phối vùng ngoài các cuộc họp thường kỳ có thể tiến hành các cuộc họp chuyên đề theo từng lĩnh vực, từng nội dung. Bên cạnh đó, các tiểu vùng sớm hình thành cơ cấu tổ chức; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tổ chức hoạt động của vùng hiệu quả hơn.

PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc