Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao với tỉ lệ tán thành cao
VHO - Chiều 30.11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tỉ lệ tán thành cao, 443/454 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 443/454 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,48% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tỉ lệ tán thành cao.
Nghị quyết quyết nghị việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây và các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng.
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.
Về quy mô, đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 05 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Hình thức đầu tư công, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 10.827 ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 3.655 ha, đất lâm nghiệp khoảng 2.567 ha và các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605 ha. Trong đó: đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 3.102 ha; rừng đặc dụng khoảng 243 ha, rừng phòng hộ khoảng 653 ha, rừng sản xuất khoảng 1.671 ha.
Sơ bộ số dân tái định cư khoảng 120.836 người. Sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn: Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 1.713.548 tỉ đồng (một triệu, bảy trăm mười ba nghìn, năm trăm bốn mươi tám tỉ đồng); Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo Nghị quyết, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc: Tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư Dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm Dự án đúng tiến độ, chất lượng; Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư Dự án; Chỉ đạo tổ chức việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Trong quá trình vận hành, khai thác, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư bổ sung một số vị trí nhà ga tại các khu đô thị có nhu cầu vận tải lớn. Các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các tiểu dự án được giao tổ chức thực hiện. Tổ chức kiện toàn Ban Quản lý dự án chuyên ngành bảo đảm đủ năng lực thực hiện quản lý đầu tư Dự án. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp nhận quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng và tổ chức vận hành, khai thác; huy động các doanh nghiệp khác đầu tư phương tiện; tiếp tục tái cơ cấu, xây dựng mô hình quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng bảo đảm thống nhất, hiện đại, hiệu quả; tham gia phát triển công nghiệp đường sắt.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận chủ trương đầu tư Dự án, giám sát việc thực hiện Dự án theo Nghị quyết này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Dự án theo Nghị quyết này.