Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội gặp mặt Hội Di sản văn hóa Việt Nam
VHO - Chiều 20.11, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Di sản Văn hoá Việt Nam do Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ làm trưởng đoàn. Cùng dự còn có Phó chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc gặp mặt
Báo cáo tại buổi gặp mặt, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam nhấn mạnh, buổi gặp mặt của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội với Hội là nguồn động viên to lớn, là động lực để toàn thể hội viên và các tổ chức, đơn vị thuộc Hội trong cả nước tiếp tục khắc phục khó khăn, không ngừng phấn đấu, góp phần tích cực hơn nữa vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ cũng cho hay, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam được thành lập ngày 23.4.2004, từ chỗ chưa đầy 300 hội viên và một vài tổ chức ở buổi đầu thành lập, qua 4 nhiệm kỳ, đến nay, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã có gần 20.000 hội viên, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học về di sản văn hóa, các doanh nhân, nghệ nhân sinh hoạt trong gần 200 tổ chức từ Trung ương đến địa phương, phong phú và đa dạng về các loại hình: hội cấp tỉnh, liên chi hội, chi hội, câu lạc bộ, hội viên tập thể, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, Cơ quan ngôn luận của Hội - Tạp chí Thế giới Di sản in, điện tử và tiếng Anh.
Từ khi thành lập đến nay, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, bằng sự cố gắng liên tục, sáng tạo, không ngừng đổi mới đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngay sau khi thành lập, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã phối hợp với cơ quan hữu quan đề xuất xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 23.11 hằng năm là ngày Di sản văn hóa Việt Nam - ngày truyền thống của ngành Di sản văn hóa. Liên tục từ năm 2005 đến nay, hàng năm đến dịp này, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đều phối hợp với Bộ VHTTDL và các địa phương tổ chức các sự kiện quảng bá, tôn vinh di sản văn hóa dân tộc.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao quà lưu niệm tặng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam
Bằng kết quả hoạt động của mình trong gần 20 năm qua, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam ngày càng tạo được vị thế và uy tín trong xã hội, đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3, Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Bằng khen và nhiều Bằng khen của Bộ VHTTDL.
Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam cũng trân trọng đề nghị Đảng và Nhà nước sớm cho phép sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới của đất nước và hội nhập quốc tế; có những cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, đồng bộ để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, làm cho di sản văn hóa thực sự trở thành nguồn lực quan trọng của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Hội cũng đề nghị Đảng và Nhà nước có những cơ chế, chính sách nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức và cá nhân trong xã hội vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, có những cơ chế, chính sách động viên khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các bảo tàng ngoài công lập, các nhà sưu tập tư nhân vào sự nghiệp quan trọng này; quan tâm, khích lệ các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về di sản văn hóa để họ làm tốt hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Hội Di sản văn hóa Việt Nam
Đề nghị Đảng và Nhà nước có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích các nghệ nhân trong việc gìn giữ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản văn hóa; hằng năm vào ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước có các hình thức động viên những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Hội di sản Văn hoá Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá Việt Nam nhằm góp phần vào việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cũng thông tin, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, đã có nhiều ý kiến của các đại biểu quan tâm đến Văn hoá trong đó có lĩnh vực di sản. Đây là lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặt đúng tầm, đúng vị trí trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gần đây nhất, tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm “Văn hoá còn thì dân tộc còn”, văn hoá làm nên hồn cốt của dân tộc, chúng ta phát triển văn hoá đi đôi với tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đánh giá, Luật Di sản văn hóa là văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh, qua nghe báo cáo của Hội và qua phát biểu của 4 vị đại biểu, ông rất vui mừng với những kết quả đạt được của Hội. Kể từ khi thành lập đến nay, Hội đã có bước phát triển toàn diện bền vững, xây dựng được các tổ chức từ trung ương Hội đến các tổ chức cơ sở, khơi dậy được sức mạnh của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam báo cáo tại buổi làm việc
Trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn, thách thức, việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam là yêu cầu rất cấp thiết và quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội mong muốn, lãnh đạo Hội và các thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tiếp tục phát huy trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm đối với văn hóa và di sản văn hóa; bám sát 9 nhiệm vụ quy định trong Điều lệ Hội để thực hiện tốt 10 nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2024.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với bối cảnh mới hiện nay; thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa; phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc, giữa các quốc gia khác trên thế giới.
Trên cơ sở nhiệm vụ của Hội là tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan đến sự phát triển của Hội và lĩnh vực Hội hoạt động để tích cực đóng góp thiết thực, hiệu quả vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy tới (tháng 5.2024) nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về di sản văn hóa đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã đồng hành cùng chương trình.
THU SÂM; ảnh: THÀNH XUÂN