Phát huy động lực của văn hóa, thể thao và du lịch trong sự phát triển bền vững đất nước

VHO - Từ các điểm cầu, lãnh đạo, đại diện các địa phương đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp “truyền lửa”, phát huy và kiến tạo những động lực mới cho sự phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của đất nước.

Phát huy động lực của văn hóa, thể thao và du lịch trong sự phát triển bền vững đất nước - Anh 1

Từ các điểm cầu, lãnh đạo, đại diện các địa phương đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp thiết thực

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận: “Kinh nghiệm thu hút du khách qua việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023”. Năm du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” là sự kiện rất lớn và ý nghĩa để ngành du lịch phát triển cũng như nâng cao vị thế tỉnh nhà. Bình Thuận đón khoảng 8,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 220.000 lượt. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 16, 28%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 2,07 lần/năm; khách nội địa tăng bình quân 14,8%/năm. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 19.500 tỷ đồng, tăng bình quân 16, 56%/năm. Du lịch Việt Nam ghi nhận ngành du lịch tỉnh Bình Thuận đã lọt vào top các địa phương trong cả nước có doanh thu trên 10.000 tỉ đồng.

Phát huy động lực của văn hóa, thể thao và du lịch trong sự phát triển bền vững đất nước - Anh 2

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận

Từ kinh nghiệm tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023, có thể rút ra một số bài học phát triển du lịch trong thời gian tới, đó là: xây dựng chiến lược, kế hoạch và đề ra các chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế du lịch phù hợp với từng thời kỳ. Tổ chức không gian du lịch vùng trong phạm vi cả nước được xác định trong chiến lược du lịch. Tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất nhằm phát triển kinh tế du lịch.
Đặc biệt, giải quyết tốt giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các lễ hội truyền thống; phát triển các sản phẩm du lịch mới. Xây dựng chính sách để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo của các địa phương, tạo sự đa dạng, hấp dẫn, lôi cuốn du khách. Phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh. Có kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, tiếp cận trình độ thế giới để đảm đương công tác quản lý phát triển kinh tế du lịch. Có kế hoạch quảng bá địa danh du lịch phù hợp đối với từng khu vực, từng đối tượng khách du lịch trong và ngoài nước...
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa”

Phát huy động lực của văn hóa, thể thao và du lịch trong sự phát triển bền vững đất nước - Anh 3

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang

Những giá trị văn hóa đa dạng, giàu bản sắc đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến với Hà Giang. Một số lễ hội như Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Khèn và lễ hội thêu dệt thổ cẩm của dân tộc Mông; cầu mùa của người Lô Lô; cấp sắc, Bàn Vương của dân tộc Dao; lồng tông của dân tộc Tày... Các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống, ẩm thực dân tộc được bảo tồn đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất và người Hà Giang trong sắc màu dân tộc độc đáo và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Các di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền, tổ chức trình diễn góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Hà Giang thời gian qua đã bám sát chủ trương “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa”, xem di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, từng bước phát huy giá trị và góp phần tích cực trong việc thu hút khách du lịch. 
Trong thời gian tới, Hà Giang xác định tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến các cấp, các ngành và cán bộ nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa; gắn cộng đồng địa phương - chủ nhân thực sự của các di sản có được quyền làm chủ các di sản của mình, từng bước thu hút cộng đồng tham gia quản lý; vừa khai thác các lợi ích kinh tế do du lịch mang lại đồng thời vừa bảo tồn văn hóa địa phương. 
Chú trọng đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu; đầu tư nghiên cứu phục dựng các lễ hội, các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, định hướng chọn lọc một số lễ hội tiêu biểu của địa phương, xây dựng thành lễ hội tiêu biểu của vùng để thu hút khách du lịch…
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội”
Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Ninh Bình đã và đang tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư các hạ tầng và thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá - lịch sử và tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, cốt lõi phát huy giá trị con người, vùng đất Cố đô và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

Phát huy động lực của văn hóa, thể thao và du lịch trong sự phát triển bền vững đất nước - Anh 4

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình

Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá về phát triển VHTTDL trong năm 2024, Ninh Bình tập trung vào 03 vấn đề: Phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo có ý nghĩa rất quan trọng và tỉnh Ninh Bình cũng xác định lấy phát triển công nghiệp văn hoá làm hướng đột phá. Đặc biệt là những đột phá về  cơ chế thúc đẩy tài sản hoá các di sản, phát triển kinh tế thương hiệu, bảo vệ giá trị tài sản vô hình, hoàn thiện cơ chế tín dụng phù hợp gắn với định giá tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai.
 Đô thị di sản là một bộ phận cấu thành của hệ thống di sản, cao hơn là trở thành tài sản quốc gia và nhân loại, góp phần thúc đẩy và nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương. Cần kiến tạo, thúc đẩy những cơ chế đặc thù cho phục dựng, bảo tồn và phát huy đô thị di sản, làm cho đô thị di sản giữ được bản sắc riêng có, dung nạp giá trị di sản vào định hình bản sắc đô thị hiện đại mà không bị cuốn theo đô thị nén, “bê tông hoá” gây xung đột với giá trị di sản. 
Liên kết nội vùng và liên vùng về quản trị và khai thác, phát huy các di sản phát triển du lịch, tổ chức không gian văn hoá là một nội dung cần được đặc biệt nhấn mạnh trong quy hoạch phát triển vùng nói chung, đặc biệt  là vùng đồng bằng sông Hồng ken dày các di sản, trong đó có các con đường di sản gắn với Cố đô Hoa Lư. 
Ông Bùi Hữu Toàn, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương: “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo VĐV tạo nền tảng quan trọng...»
Thể thao thành tích cao Bình Dương thời gian qua đánh dấu bước phát triển mới, trong đó xác định rõ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo VĐV chính là nền tảng quan trọng đầu tiên cho thời kỳ phát triển mới.

Phát huy động lực của văn hóa, thể thao và du lịch trong sự phát triển bền vững đất nước - Anh 5

Ông Bùi Hữu Toàn, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương

Để công tác huấn luyện, tuyển chọn VĐV bảo đảm chất lượng theo yêu cầu mới, Bình Dương đã chuẩn hóa đội ngũ HLV, đồng thời có sự điều chỉnh phù hợp  để phát huy hết khả năng chuyên môn, trách nhiệm và kinh nghiệm của mình. Công tác liên kết hợp tác với Viện, Trường Đại học TDTT, Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia được quan tâm duy trì và đẩy mạnh... Đây là những yếu tố đem lại thành tích, số lượng huy chương kỷ lục trong năm. Riêng năm 2023, thể thao Bình Dương tham dự 145 giải, đạt 692 huy chương các loại ở các cấp độ giải; có 285 vận động viên đẳng cấp quốc gia. Trên đấu trường quốc tế, địa phương đã dần khẳng định vị thế của mình, nhiều VĐV Bình Dương lần lượt ghi tên mình vào lịch sử khi trở thành nhà vô địch thế giới.
Về định hướng trong thời gian tới, ngành chủ động bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chương trình, chiến lược, đề án và cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh trong lĩnh vực Thể dục thể thao. 
Tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án “Phát triển Thể dục thể thao tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Tối ưu hóa kết cấu các môn thể thao, tập trung đầu tư phát triển các môn thể thao thành tích cao thế mạnh, các môn Olympic. Nâng cao trình độ đội ngũ HLV; công tác đào tạo VĐV; tạo điều kiện để các HLV, VĐV tham gia tập huấn, thi đấu tại các quốc gia, quốc tế hàng năm. 
Rà soát, bổ sung quy hoạch lực lượng các môn thể thao trọng điểm đã và đang có những VĐV có thành tích, đẳng cấp quốc tế để tiếp tục đầu tư chuyên biệt, hướng đến mục tiêu đạt thành tích cao. Khẩn trương bắt tay vào quá trình chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026, các giải quốc tế trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đây là nền tảng quan trọng để thể thao Bình Dương tiếp tục kế thừa và phát huy sức mạnh, sẵn sàng cho giai đoạn mới với những mục tiêu lớn hơn.
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc: "Chuyển mình, đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới"
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bên cạnh những thành tựu khoa học và sự hỗ trợ phát triển đáp ứng nhu cầu đời sống con người thì cũng có những tác động tiêu cực, đặc biệt đối với văn hoá. 
Là một đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL, Nhà hát luôn ý thức rất rõ vai trò và vị trí của mình trong việc phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá và việc bảo vệ biên cương văn hoá tư tưởng nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hoá con người.  

Phát huy động lực của văn hóa, thể thao và du lịch trong sự phát triển bền vững đất nước - Anh 6

Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc

Để hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu của mình, trong thời gian qua, Nhà hát Kịch Việt Nam luôn đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh công tác quảng cáo, truyền thông; công tác số hoá. Đặc biệt, là việc xây dựng và công diễn các vở diễn đa dạng, hấp dẫn và dễ tiếp cận người xem. 
Một trong những chức năng, nhiệm vụ của Nhà hát Kịch Việt Nam là dàn dựng và tổ chức biểu diễn các chương trình, tiết mục kịch nói tiêu biểu mang bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại theo định hướng nghệ thuật của Bộ VHTTDL, phục vụ khán giả trong nước và ngoài nước góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và thẩm mỹ người xem.
Trong những năm qua, Nhà hát Kịch Việt Nam luôn bám sát chức năng nhiệm vụ của mình, các vở diễn không chỉ đa dạng về đề tài, phản ánh chân thực cuộc sống và xã hội mà còn có cách tiếp cận với khán giả hết sức gần gũi và hiện đại, dễ xem và dễ tiếp nhận. Thông qua những đêm biểu diễn, các nghệ sĩ đã truyền tải cái hay, cái đẹp, cái xuất sắc trong truyền thống ông cha đến công chúng. Đồng thời, thông qua những chuyến lưu diễn ở các nước trong khu vực và Quốc tế, Nhà hát không chỉ giới thiệu văn hoá, đất nước, con người Việt Nam mà còn thúc đẩy phát triển du lịch.
Với vai trò là những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng, Nhà hát luôn chủ động chuyển mình để đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới từ năng lực chuyên môn, nhận thức xã hội, bản lĩnh chính trị, truyền thông phương pháp tiếp cận, không ngừng nắm bắt những thông tin và xu hướng nhằm góp phần xây dựng văn hoá, con người Việt Nam trong tình hình mới
Ông Trần Thế Thuận (Giám đốc Sở VHTT TP.HCM):  “Ban hành nhiều chính sách phát triển văn hoá”.
 Quán triệt và vận dụng sáng tạo các quan điểm của Đảng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc giữa Bộ Chính trị với Thành phố chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI: Thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển xứng đáng với niềm vinh dự là địa phương duy nhất của cả nước được mang tên Người, Sở VHTT đã chủ động tham mưu các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển ngành, trong đó, tham mưu UBND Thành phố phê duyệt đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP. HCM. Đây là cơ hội để ngành công nghiệp văn hóa Thành phố xây dựng các sản phẩm văn hóa chủ lực, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế của văn hóa, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới và gia tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát huy động lực của văn hóa, thể thao và du lịch trong sự phát triển bền vững đất nước - Anh 7

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM

Ngành đã tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND quy định về mức chi giải thưởng và chi thù lao tổ chức cuộc vận động sáng tác, cuộc thi, liên hoan trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Đây là chính sách hết sức quan trọng và cần thiết, tạo hành lang pháp lý trong thực hiện mức chi giải thưởng; nhằm thu hút, động viên các tập thể, cá nhân tham gia sáng tạo văn học nghệ thuật. Hiện nay, Sở VHTT đang hoàn thiện Tờ trình về Nghị quyết thực hiện chính sách khuyến khích đối với tập thể, các nhân đạt danh hiệu vinh dự nhà nước và hình thức khen thưởng do lập thành tích xuất sắc trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Như vậy, về cơ bản ngành văn hóa và thể thao Thành phố đã có một số cơ chế đặc thù để phát triển văn hóa và thể thao.
Ngoài ra, Sở VHTT đang tham mưu thành lập Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa, đây là nhân tố quan trọng tham gia dẫn dắt thị trường văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa còn đang bỏ ngỏ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới. 
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: “Nhiều giải pháp để quảng bá, phát triển ngành kinh tế không khói”
Lâm Đồng đang ưu tiên phát triển 4 nhóm sản phẩm chủ lực là du lịch sinh thái gắn với tham quan, văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch canh nông (nông nghiệp) và đa dạng hóa các nhóm sản phẩm du lịch hỗ trợ: chăm sóc sức khỏe, du lịch ẩm thực, du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng triển khai cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm, trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã và đang hình thành các mô hình dịch vụ du lịch về đêm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan trải nghiệm của du khách như Vườn Ánh Sáng Lumiere Đà Lạt, Vườn ánh sáng tại khu du lịch cấp tỉnh TTC World Thung lũng Tình Yêu…  

Phát huy động lực của văn hóa, thể thao và du lịch trong sự phát triển bền vững đất nước - Anh 8

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Trong thời gian qua, thực hiện Dự án 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Lâm Đồng tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn các loại hình di sản văn hoá phi vật thể gắn với phát triển du lịch như phục dựng Lễ hội Nhô Phú (Cầu mùa) tại xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương; xây dựng mô hình văn hóa truyền thống tại xã Tà Hine, huyện Đức Trọng; tái hiện các loại hình văn hóa phi vật thể, xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại huyện Đam Rông; tổ chức các lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống, hội thi thể thao dân gian đồng bào dân tộc thiểu số... Qua đó, góp phần phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; tăng thu nhập, tạo thêm việc làm mới cho người dân tại các địa phương triển khai dự án.

Phát huy động lực của văn hóa, thể thao và du lịch trong sự phát triển bền vững đất nước - Anh 9

Các đại biểu tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong
Các hoạt động trên đã góp phần quảng bá, thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh Lâm Đồng; đặc biệt là LHP Việt Nam lần thứ XXIII đã trở thành Tuần lễ phát triển thương hiệu du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng qua Điện ảnh năm 2023, nâng tầm thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đến bạn bè trong nước và quốc tế; góp phần phát triển thương hiệu điểm đến “Lâm Đồng – an toàn, văn minh và thân thiện”. 

Trong năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã đón tiếp và phục vụ 8.650.000 lượt (tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, khách quốc tế đạt: 400.000 lượt (tăng 166,7% so với cùng kỳ năm 2022). Tuy nhiên hiện nay ngành du lịch Lâm Đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong phát triển du lịch nói chung và  đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nói riêng. Cụ thể là khó khăn về duy trì, xoay vòng nguồn vốn để tái đầu tư, kinh doanh du lịch dẫn đến nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh triển khai chậm, nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư, phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ du lịch mới,… 

Phát huy động lực của văn hóa, thể thao và du lịch trong sự phát triển bền vững đất nước - Anh 10

Các đại biểu tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong

Công tác quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh chủ yếu còn tập trung tại thị trường nội địa, chưa tổ chức hoặc tham gia được các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tại thị trường nước ngoài, chưa gắn kết được các hoạt động quảng bá xúc tiến của địa phương với các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tại thị trường nước ngoài do Bộ VHTTDL tổ chức.
Tỉnh Lâm Đồng mong muốn được Bộ VHTTDL tiếp tục tạo điều kiện cho địa phương đăng cai, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch lớn trong năm 2024; hỗ trợ quảng bá hình ảnh du lịch Lâm Đồng trong các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch tại thị trường quốc tế; được sớm triển khai Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia tại Khu Văn hóa – Thể thao tỉnh Lâm Đồng tại TP Đà Lạt, qua đó hỗ trợ Lâm Đồng phát triển thể thao thành tích cao; đảm bảo cơ sở vật chất đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch cấp quốc gia và quốc tế, qua đó quảng bá hình ảnh du lịch của Lâm Đồng đến với bạn bè trong nước và quốc tế, thu hút du khách đến với Đà Lạt – Lâm Đồng. 

Phát huy động lực của văn hóa, thể thao và du lịch trong sự phát triển bền vững đất nước - Anh 11

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của đại biểu tại diễn đàn Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, những ý kiến thiết thực tại Hội nghị đã tập trung vào một số nhóm vấn đề lớn: làm rõ hơn những kết quả đạt được của ngành VHTTDL, từ phạm vi của địa phương, với góc độ tiếp cận thực tiễn để bổ sung cho báo cáo chung của ngành. Đồng thời, chỉ rõ những khó khăn, yêu cầu ngành cần tiếp tục nỗ lực khắc phục trong thời gian tới; đề xuất và kiến nghị cụ thể để Bộ VHTTDL tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền và chủ động giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của đại biểu tại diễn đàn Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng thuộc các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, với sự phối hợp nhuần nhuyễn trên hành trình của “Cỗ xe tam mã”. Bộ trưởng bày tỏ, Hội nghị tổng kết với sự điều hành, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, sự có mặt của lãnh đạo các địa phương sẽ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp các Sở để cùng toàn ngành góp phần vào thành công chung.

“Chúng ta cần nhận thức rằng, nhiệm vụ xây dựng, chấn hưng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ thường trực của mỗi người dân, với tư cách là chủ thể, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền thì chắc chắn nhiệm vụ phát triển văn hóa sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công mới…”, Bộ trưởng khẳng định.

PHƯƠNG ANH - HOÀNG HƯƠNG - QUỲNH HOA (lược ghi); ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc